Trong cuộc điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Thượng viện gần đây, đại sứ được chỉ định của Mỹ tại Việt Nam Ted Ossius đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ sẵn sàng bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Giới nghiên cứu Mỹ cũng đưa ra ý kiến tương tự. Trong bài viết ngày 15.7 trên tờ Wall Street Journal, hai nhà nghiên cứu Ric-hard Fontaine - Chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ mới và Patrick Cronin - Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) - đã bày tỏ sự lo ngại về các hành vi gây hấn của phía Trung Quốc (TQ) và kêu gọi Chính phủ Mỹ cần có các bước đi củng cố năng lực tự vệ của Việt Nam, trong đó nên xem xét lại việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu của CSIS cho biết, dự thảo luật về việc bán vũ khí cho Việt Nam đã được lưu hành trong Quốc hội Mỹ. Chính quyền Obama có thể tự mình bỏ lệnh cấm này, bởi lệnh cấm hiện nay chỉ gắn với một mệnh lệnh hành pháp, chứ không gắn với luật pháp của Mỹ. Tuy nhiên, việc Quốc hội thông qua dự luật cùng với hành động của chính quyền sẽ thể hiện một cách thức hành động mạnh mẽ nhất của sự việc.
CSIS cho rằng, bỏ lệnh cấm bán vũ khí sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ của Việt Nam, khi Việt Nam đang phải chịu sức ép ngày càng tăng từ láng giềng phía bắc. Đây cũng là một bước tiếp theo rất tự nhiên sau quyết định của chính quyền Bush năm 2007 cho phép xuất khẩu các thiết bị quốc phòng phi sát thương sang Việt Nam.
CSIS cho rằng, trong khi Việt Nam ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và có mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn với Mỹ, thì các hành động của TQ ở ngoài bờ biển Việt Nam khó mà là lần cuối. “TQ sẽ tiếp tục đưa các giàn khoan, tàu cá, hải quân và không quân đến. Họ sẽ tiếp tục khai thác tài nguyên, áp đặt luật trong nước của họ, đòi chủ quyền và biến những tuyên bố vô liêm sỉ của TQ với chủ quyền trên Biển Đông thành sự thật” - các nhà nghiên cứu của CSIS viết. “Mỹ cần cách tiếp cận ngoại giao mạnh mẽ hơn để hành vi xấu phải trả giá”, trong đó có việc “hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam, một trong số những nước tuyên bố chủ quyền quyết tâm bảo vệ lợi ích của đất nước”. Mỹ cũng cần công nhận rằng, khả năng tự vệ của Việt Nam là rất quan trọng trước sự quả quyết của TQ - CSIS viết.
Nghị quyết lưỡng đảng
Hôm 31.7, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Randy Forbes - Chủ tịch Tiểu ban Hải lực và Triển khai lực lượng thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện, và Hạ nghị sĩ Dân chủ Colleen Hanabusa - Thành viên Ủy ban Quân lực - đã trình ra Hạ viện dự thảo nghị quyết ủng hộ an ninh hàng hải ở Châu Á - Thái Bình Dương và giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ.
Dự thảo nghị quyết dài 16 trang, liệt kê rất nhiều hành vi của TQ gây rối ở Biển Đông và biển Hoa Đông, chỉ rõ TQ là thủ phạm. Riêng ở Biển Đông, nghị quyết chỉ ra “các sự cố nguy hiểm và gây mất ổn định” ở các vùng biển ngoài khơi Philippines, TQ, Malaysia và Việt Nam. Gần như toàn bộ trang 10 của dự thảo nói về việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam từ ngày 1.5.2014. Dự thảo chỉ rõ giàn khoan này ở cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, các tàu hộ tống tăng lên 80 tàu trong thời gian tính đến ngày 9.5, trong đó có 7 tàu quân sự, tuần tra một cách hung hãn và khiêu khích tàu Cảnh sát Biển Việt Nam, cố tình đâm va tàu Việt Nam, dùng trực thăng và vòi rồng cản trở tàu Việt Nam. Dự thảo cũng cho biết, ngày 5.5, các tàu TQ đã thiết lập vành đai 3 hải lý xung quanh giàn khoan, cản trở an toàn hàng hải trong khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc - UNCLOS.
Trên cơ sở đó, dự thảo của Hạ viện Mỹ đưa ra 17 nội dung, lên án các hành vi sử dụng vũ lực cản trở hàng không và hàng hải, thúc giục TQ kiềm chế quy định về nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông và các khu vực khác ở Châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với các bạn bè và đồng minh trong khu vực, khuyến khích làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực, để “nhận biết tốt hơn và tăng cường năng lực trên biển”, “phát triển một cơ chế đa phương thích hợp cho việc hoạt động chung ở Biển Đông, nhằm giúp các nước tránh các hành vi gây mất ổn định và làm xuống thang các hành động nguy hiểm và liều lĩnh.
Trong các khuyến nghị chính sách, khuyến nghị số 13 có nội dung bật đèn xanh bán vũ khí cho Việt Nam. Khuyến nghị này nói rằng, Mỹ cần cân nhắc các khía cạnh trong quan hệ hai nước, trong đó có việc “làm sâu sắc và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam thông qua việc bán hoặc chuyển giao các thiết bị quốc phòng thích hợp với sự phát triển và duy trì năng lực phòng thủ của Việt Nam chống lại các mối đe dọa bên ngoài”.