Tai biến do truyền dịch rất nguy hiểm

Dịch truyền là dạng thuốc rất cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần được cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Hiện có tình trạng nhiều người cứ thấy mệt mỏi, ăn kém, sốt... là tự truyền dịch. Theo quy định của ngành y tế, khi nào nên truyền dịch, truyền loại dịch nào, liều lượng bao nhiêu, cần có sự chỉ định của thầy thuốc và việc truyền dịch phải được thực hiện ở cơ sở y tế có các phương tiện cấp cứu kịp thời. Với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các loại tai biến rất trầm trọng xảy ra. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C... đều có thể lây nhiễm qua đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch không đúng quy định, không vô trùng. Do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây phù ở tim, thận... Đặc biệt, có thể gây phản ứng toàn thân như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. N.P

Bệnh nhân bị đá nhọn đâm vào não đã dần ổn định

Ngày 3.8, sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Lê Xuân C (46 tuổi, ở huyện Hoằng Hóa - tỉnh Thanh Hóa, bị lưỡi cưa bằng đá bắn vào mặt, đâm sâu vào phía trên mắt xuyên qua xương sọ vào tận vùng não) đã dần ổn định sức khỏe. Trước đó, ngày 31.7, bệnh nhân C vào cấp cứu tại BV Việt Đức, các bác sĩ đã mổ cấp cứu để lấy mảnh lưỡi cưa bằng đá khá lớn, nhặt những mảnh vụn của miếng đá găm sọ và khoét bỏ vùng não bị tổn thương, dập nát. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật mới kết thúc. Ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục được phẫu thuật mắt do vỡ ổ mắt. Dự kiến, sau 3-4 tháng nữa, bệnh nhân sẽ phải mổ lần 2. Đ.A