Lý do “tẩy chay” mà các địa phương đưa ra là do chất lượng đào tạo hệ tại chức không đáp ứng nhu cầu của địa phương. Trước “làn sóng tẩy chay” đại học tại chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã khẳng định: Nếu xác định địa phương nào đã thi tuyển công chức mà không cho sinh viên có bằng tại chức thi tuyển công chức, bộ sẽ xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
Mục đích của việc thi tuyển công chức là chọn được những người có năng lực đảm đương nhiệm vụ và Luật Cán bộ, công chức không quy định cấm tuyển dụng công chức hệ tại chức, Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp. Do vậy, việc một số địa phương phân biệt các loại hình đào tạo là không công bằng, bởi không có cơ sở để nói tất cả những người tốt nghiệp đại học tại chức đều kém. Điều đó thật oan uổng, thiệt thòi cho những người theo học tại chức một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ học để có một tấm bằng theo kiểu “học giả, bằng thật”. Nếu “cấm cửa” hệ tại chức sẽ bỏ phí không ít những người có tài thực sự. Vậy sao không để mọi người đều có cơ hội như nhau? Nếu thi tuyển công chức làm công khai, minh bạch, có sự đổi mới thì ắt tuyển được người có năng lực thực sự, đáp ứng được vị trí cần tuyển dụng, chứ không phải chỉ giỏi trên lý thuyết.
Tưởng chừng sau khi dư luận, cơ quan chức năng lên tiếng trước những quy định thể hiện phân biệt đối xử với đào tạo tại chức, dân lập - những loại hình đào tạo đã được Nhà nước công nhận thì các tỉnh sẽ có những thay đổi trong tuyển dụng công chức. Nhưng không, mới đây trong Thông báo số 88/TB – UBND ngày 29.5.2013 về việc tuyển dụng công chức năm 2013, tỉnh Nam Định tiếp tục quy định “Người dự tuyển phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn...”.
Được biết, chủ trương chỉ tuyển các ứng viên tốt nghiệp đại học chính quy vào công chức tỉnh Nam Định thực hiện từ năm 2008 “vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi”. Về việc tỉnh Nam Định lại tiếp tục “tẩy chay” với tại chức, ông Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động - đã khẳng định “Nếu từ chối bằng tại chức là làm sai quy định”.
Trước việc một số địa phương làm sai quy định trong việc tuyển dụng công chức cần được các cơ quan chức năng “thổi còi” chấn chỉnh, để việc thi tuyển công chức phải đúng quy định của pháp luật, tạo sự công bằng giữa các loại hình đào tạo và đạt được mục tiêu tuyển người hiền tài vào đội ngũ cán bộ, công chức.
Nguồn tin: Lao động