Điển hình là việc Công an quận 10 TPHCM trong ngày 12.8 đã ra quyết định tạm đình chỉ đối với điều tra viên Võ Quốc Khánh để xem xét kỷ luật đối với ông này.
Để dẫn tới vụ việc nêu trên, chuyện bắt đầu từ việc cửa hàng điện thoại của anh Dương Trọng Tiến trên đường Lê Hồng Phong (Quận 10) bị khám xét khẩn cấp vì tình nghi kinh doanh trái phép. Nguyên nhân bởi thời điểm giữa tháng 6, khi vợ anh Tiến vừa bán chiếc Nokia 6700 cho khách thì Công an quận 10 ập vào khám xét do tình nghi của hàng này hoạt động kinh doanh trái phép. Cảnh sát đã thu giữ 40 điện thoại ở khu vực trưng bày của cửa hàng.
Sau đó, anh Tiến được mời lên làm việc tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Quận 10. Tại đây, điều tra viên Võ Quốc Khánh hỏi anh Tiến muốn phạt hành chính hay phạt hình sự. Tiếp đó ông Khánh nói nên chọn phạt hình sự vì tới ngày 1.7 này điều 159 Bộ luật Hình sự hết hiệu lực, khi đó sẽ không bị truy tố. Sau đó, ông Khánh đưa Tiến ký vào biên bản ghi giá 40 chiếc điện thoại Nokia đang tạm giữ là 120 triệu đồng.
Ngày 30.6, anh Tiến trở lại Công an Quận 10 và được ông Khánh đưa cho xem quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, phần tội danh bị khởi tố lại ghi “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”. Thấy văn bản này không đúng, anh Tiến không chấp nhận.
Sau khi báo chí đăng tải về vụ việc này , ngày 11.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.8.2016. Nhưng chưa cần đến thời điểm nêu trên, lãnh đạo Công an Quận 10 đã xử lý tạm đình chỉ đối với ông KHánh để chờ xử lý.
Tiếp theo đó, ngày 13.8, Viện KSND Tối cao đã ra quyết định kỷ luật ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và ông Huỳnh Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Bình Chánh, TPHCM.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định cách chức Phó Viện trưởng đối với ông Lê Thanh Tòng vì những sai sót khi phê chuẩn quyết định khởi tố chủ quán cà phê Xin chào là ông Nguyễn Văn Tấn về tội kinh doanh trái phép; phê chuẩn quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉ về tội “Vi phạm quy định về quản lý nhà ở” vì dựng chòi vịt trên đất nông nghiệp của mình. Cả hai vụ án nêu trên đã bị đình chỉ, các bị can Nguyễn Văn Tấn và Nguyễn Văn Bỉ được xác định không phạm tội.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng ra quyết định cách chức kiểm sát viên đối với ông Huỳnh Văn Sơn, kiểm sát viên sơ cấp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh vì những sai sót liên quan đến việc truy tố chủ quán cà phê Xin Chào. Ông Sơn là kiểm sát viên phụ trách việc kiểm sát hoạt động khởi tố và xét xử đối với ông Nguyễn Văn Tấn trong vụ quán cà phê Xin Chào.
Dù chỉ mới là những việc “hình sự hóa” rất bé, vốn được coi là “nhỏ như cái móng tay” được đưa ra xử lý, nghiêm trị. Nhưng với giới doanh nhân, mọi người cảm nhận thấy việc làm ăn, kinh doanh đang được có sự bảo vệ, che chở.
Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, và quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn cho doanh nghiệp.
Việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các công chức, cán bộ có hành vi nhũng nhiễu “hình sự hóa” quan hệ kinh tế, dân sự đã và đang là những bằng chứng khẳng định quyết tâm của Chính phủ đối với việc bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo môi trường lành mạnh để doanh nhân làm giàu cho mình và cho xã hội.
Việc xử lý nghiêm minh nêu trên cùng là lời cảnh báo nghiêm khắc với các vị công bộc rằng: Đừng dọa doanh nghiệp nữa. Hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp cống hiến, làm giàu và tạo việc làm cho người lao động.
Nguồn tin: Lao động