|
Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn Saigontourist), đơn vị 10 năm thực hiện công trình Đường hoa Nguyễn Huệ, hãnh diện cho rằng đường hoa đã thật sự đi vào lòng người dân TP.
Theo nhiều nguồn tư liệu, Đường hoa Nguyễn Huệ xưa kia vốn là một chợ hoa tết. Gần tết, các con thuyền chở hoa từ những tỉnh miền Tây cập bến Bạch Đằng, tập trung hoa lên đường Nguyễn Huệ hiện nay để bán, đến gần giao thừa thì dọn.
Tuy nhiên, do chợ bán buôn có phần nhếch nhác, nên sau này, khi chính quyền TP có chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo nét đẹp văn minh đường phố, chợ hoa tồn tại giữa trung tâm bao năm bị dẹp bỏ, chuyển về công viên 23.9.
Không còn chợ hoa, trung tâm TP trở nên vô cùng vắng vẻ trong những ngày tết, trong khi người dân lại thiếu chỗ vui chơi giải trí mấy ngày này. Cán bộ Saigontourist đi nước ngoài, thấy người ta làm lễ hội hoa đẹp quá, nên trình bày ý tưởng với lãnh đạo TP. Saigontourist lại có nguồn lực, cộng với nhiều người muốn làm đường hoa nên ý tưởng được đồng thuận.
“Có điểm khác lạ là trong những ngày diễn ra đường hoa, dù lượng người đổ về đại lộ Nguyễn Huệ rất đông để xem pháo hoa và ngắm hoa, nhưng không thấy cảnh bẻ cành, ngắt hoa ở đây. Có vẻ như người dân TP đã quen với nếp sống đô thị và thể hiện tinh thần tôn trọng cái đẹp rất rõ ràng”, họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân phát biểu.
Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng đường hoa luôn thiết kế những không gian mang tính hoài niệm về cội nguồn, quê hương, như đồng lúa, giàn bầu, xe thổ mộ, chiếc thuyền… Ban tổ chức đã thành công khi đưa làng quê về phố, để khơi gợi ký ức của người dân về quê hương. Dù là người TP chính gốc, hay từ các tỉnh về đây làm ăn, cũng dễ dàng thấy mình ở trong đó và chính mình được tôn vinh.
Không chỉ thu hút người dân trong nước, đường hoa dần trở thành một thương hiệu để các hãng lữ hành giới thiệu với du khách nước ngoài.
|
Mỗi năm, đường hoa lại có một chủ đề, gắn kết sát sườn với đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân.
Năm nay, chủ đề của đường hoa là Trái tim Việt Nam, với các phân đoạn: Xuân non cao, Xuân đồng bằng, Xuân biển đảo. Trong đó, khu vực biển đảo được thiết kế rất ấn tượng và quy mô với những chiếc thuyền vượt sóng, kéo lưới bội thu mùa cá là những sắc hoa rực rỡ; những chiếc thuyền thúng nằm trên đồi cát; xóm chài bình yên; cô gái Việt trong tà áo dài đứng trước biển tung những cánh chim bồ câu hòa bình như khẳng định với thế giới về chủ quyền biển đảo quê hương.
Vì Trường Sa thân yêu Cùng thời điểm diễn ra Đường hoa Nguyễn Huệ (7 - 13.2), Lễ hội Đường sách Tết Quý Tỵ 2013 có chủ đề Sách và 54 dân tộc với điểm nhấn là khu triển lãm tư liệu, bản đồ quý giá khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tại Đường sách 2013, ban tổ chức dành không gian cho Báo Thanh Niên triển lãm bộ 60 bức ảnh mới nhất của phóng viên, cộng tác viên của báo, có chủ đề Vì Trường Sa thân yêu. Bộ ảnh phản ánh nỗ lực lớn lao, sự hy sinh cao cả của những người dân đất đảo, những người lính hải quân ngày đêm miệt mài canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. |
N.Trần Tâm
Nguồn tin: tinnong.vn