Gia đình góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống

Thứ năm - 12/06/2014 03:03 1.191 0
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cồng chiêng, chum, ché… là những “báu vật” vô cùng quý giá gắn liền với phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần, thể hiện sự giàu có và quyền lực của gia đình, dòng họ…

Vì thế, nhiều gia đình đã chú trọng giữ những vật dụng cha ông để lại, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong chính ngôi nhà của mình.    

Ngày nào cũng vậy, ông Y Bian ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút) cũng làm vệ sinh những vật dụng truyền thống mà cha ông để lại. Đó là chiếc ghế K’pan làm bằng gỗ hương, chiếc trống bằng da trâu thuộc, chiếc đàn Goong, bộ cồng chiêng và gần chục ché rượu cần có “tuổi thọ” gần hai trăm năm, những chiếc đinh năm, đinh tút được treo trang trọng trên tường… Tuy cũ kỹ nhưng với ông, chúng như những “báu vật”.

Theo ông Y Bian thì mỗi đồ vật trong nhà đều gắn liền với một kỷ niệm thân thiết không bao giờ quên. Như chiếc ché rượu cần lớn là của hồi môn mà bố mẹ vợ tặng ông ngày cưới; còn bộ cồng chiêng 9 cái là kỷ vật do ông cố để lại; chiếc vòng tay là người yêu trao khi mới quen…

Ông Y Bian chia sẻ: “Tôi may mắn khi sở hữu những báu vật văn hóa mà cha ông để lại. Nhiều người hay tin đã đến mua với giá khá cao nhưng tôi nhất định không bán mà giữ lại để khi buôn làng có việc còn có cái mà đánh chứ bán đi rồi thì biết tìm đâu tiếng chiêng giòn giã đặc trưng của dân tộc nữa. Có như thế mới giữ được bản sắc của dân tộc mình”.

Điều đáng ghi nhận ở ông Y Bian là không chỉ lưu giữ “báu vật” trong gia đình mà hễ nghe trong buôn có người nào bán chum, ché hay các vật dụng ngày xưa, ông đều tìm đến can ngăn. Khi không còn cách nào khác, ông sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mua về cất giữ. Giờ đây, ở buôn Buôr này, gia đình ông Y Bian được xem là “giàu có” bởi ông sở hữu rất nhiều vật dụng truyền thống của người Ê đê.

Tương tự, gia đình chị Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) hiện còn lưu giữ hơn 10 chiếc chum, ché cổ và 1 bộ cồng chiêng của người M’nông. Theo chị Thị Ai thì mỗi chiếc chum, ché cổ đều có “tuổi đời” riêng và chị không biết chúng có từ bao giờ nhưng những đồ vật ấy đã có mặt trong nhà từ khi chị còn bé xíu. Mấy chục năm trôi qua, những vật báu ấy cứ hiện diện trong đời sống của gia đình và chị xem chúng như người bạn.

Chị Thị Ai tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ luôn căn dặn phải gìn giữ những vật dụng này cho cẩn thận vì đó là “linh hồn” của gia đình, dòng họ, bởi thế, mấy chục năm trôi qua tôi vẫn nâng niu và cảm thấy vui vì điều mình đã và đang làm. Mỗi khi nhìn chúng, tôi như nhìn thấy hình ảnh của cha mẹ mình”.

Còn với bà H’Riêng ở bon Sa Nar, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thì mặc dù đã ngoài 50 tuổi nhưng ngày ngày vẫn ngồi bên khung cửi để dệt thổ cẩm. Không chỉ mê dệt, bà còn say mê tìm kiếm, học hỏi để sáng tạo ra những nét hoa văn độc đáo nhưng không làm mất đi đặc trưng của dân tộc.

Các con của bà H’Riêng ở bon Sa Nar, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cùng nhau dệt vải

Hình ảnh nhà sàn, cối giã gạo, sông nước, núi non trùng điệp…được bà khéo léo đan dệt, xen kẽ hài hòa trên những tấm thổ cẩm. Dệt nhanh, dệt đẹp là thế nhưng bà không giữ bí quyết riêng cho mình mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho chị em trong bon.

Bà H’Riêng tâm sự: “Mình dệt không chỉ để phục vụ sinh hoạt gia đình, đáp ứng nhu cầu của nhiều người mà còn để giữ nghề của cha ông. Nên ai thích học là mình cũng tận tình chỉ bảo. Bởi có nhiều người biết nghề thì không lo mất một nét đẹp truyền thống của dân tộc”.

Hiện nay,  không chỉ 5 người con mà nhiều phụ nữ trong bon đều biết dệt thổ cẩm. Được mẹ truyền đam mê nên con của bà hiểu và biết quý nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Chị H’Yong, con gái lớn của bà H’Riêng tự hào nói: “Được mẹ truyền nghề cùng với tinh thần tự học, tìm hiểu đến giờ tôi có thể dệt được những tấm thổ cẩm có hoa văn khó. Tôi sẽ học theo gương mẹ, giữ nghề này và truyền lại cho con cháu mình”.

Còn chị H’Gái cùng bon chia sẻ: “Bà H’Riêng đã “thổi hồn” tình yêu thổ cẩm cho chúng tôi, giờ trong bon nhiều nhà còn giữ nghề dệt lắm, một phần cũng nhờ bà H’Riêng đó”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nhờ ý thức gìn giữ văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao nên cồng chiêng, chum ché, khung cửi vẫn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng.

Các nghệ nhân - những người am hiểu văn hóa đã “thổi hồn”, thắp lên ngọn lửa đam mê cho các thành viên. Đó cũng là một trong những nhân tố góp phần làm cho Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn cồng chiêng và nhạc cụ các dân tôc tại chỗ” trong những năm tới thành công tốt đẹp.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập237
  • Hôm nay5,771
  • Tháng hiện tại57,141
  • Tổng lượt truy cập41,124,944
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây