Các địa phương có tỷ lệ mắc bệnh cao là Đắk R’lấp, Đắk Glong và Tuy Đức. Nguyên nhân chính là do nhận biết của người dân về bệnh còn hạn chế, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Trẻ em bị bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tư ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), khi thấy con bị nổi những mụn đỏ ở tay và miệng, chị Tư đã tự ý sử dụng một số cây thuốc nam trong vườn giã nát để bôi, đắp. Sau một thời gian, con chị không những không khỏi bệnh mà còn bị sốt cao.
Đến khi vào bệnh viện, chị mới biết con mình bị mắc bệnh tay- chân- miệng. Không riêng gì chị Tư mà hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn hiểu biết khá mơ hồ về căn bệnh này, kéo theo đó là tâm lý chủ quan trong việc phòng, tránh bệnh cho con trẻ.
Tại nhiều gia đình chưa có thói quen rửa tay bằng xà phòng cho con cái nên hiệu quả phòng, chống bệnh chưa cao. Theo bác sĩ Ya Đuyên, Phó Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì chính do tâm lý chủ quan và sự thiếu hiểu biết của người dân về cách nhận biết cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh đã làm cho bệnh tay- chân- miệng ngày càng gia tăng.
Mặc dù dấu hiệu của bệnh rất điển hình nhưng nhiều người vẫn nhầm với các bệnh có phát ban khác, nên không theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện biến chứng. Còn theo bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thì hàng năm công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh tay-chân-miệng được thực hiện khá thường xuyên với nhiều hình thức phong phú và hình ảnh trực quan sinh động. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc phòng, chống bệnh cho con cái.
Theo nhận định thì thời gian tới, bệnh tay-chân-miệng sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng do một số nguyên nhân như: bệnh lưu hành thường xuyên tại các địa phương; thời tiết nóng ẩm; ý thức phòng bệnh của người dân chưa tốt và bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin dự phòng…
Vì vậy, theo bác sĩ Hà Văn Hùng thì các hoạt động phòng, chống bệnh sẽ tiếp tục được ngành Y tế hết sức chú trọng. Cụ thể, ngành đã tổ chức 5 đợt giám sát công tác phòng, chống bệnh tại các địa bàn trọng điểm cũng như cấp 315 kg Cloramin B 25%, 2.400 viên Andonsep, gần 1000 chai sát khuẩn và nhiều dụng cụ phòng, chống bệnh cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở.
Ngoài ra, ngành cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị, máy móc… đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống trong trường hợp bệnh gia tăng và bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh.
Đặc biệt, tại các cơ sở trường học, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục tăng cường truyền thông nhằm giúp cán bộ, giáo viên cũng như mỗi học sinh hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh hiệu quả. Bởi theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng, chống bệnh, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay vẫn là làm tốt khâu vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Do đó, các gia đình cần quan tâm giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho con cái bằng cách thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, làm sạch các vật dụng, đồ chơi, lau sàn nhà, các khu vực sinh hoạt của trẻ với các dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh, phụ huynh cần đưa nhanh đến các cơ sở y tế để khám, điều trị để tránh lây cho trẻ khác cũng như lây lan trong cộng đồng…
Bài, ảnh: Vũ Trang
Nguồn tin: Báo Đăk Nông