Gia hạn giao đất để an dân

Thứ hai - 24/06/2013 00:00 1.275 0
Quốc hội (QH) vừa thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Báo Người Lao Động đã trao đổi với TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH), về vấn đề này

-Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về việc QH vừa thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân?

 

-TS Đinh Xuân Thảo: Có thể nói thời hạn giao đất là một trong những nguyên nhân quan trọng, bức bách nhất phải sửa Luật Đất đai. Vì theo Luật Đất đai năm 1993, thời hạn giao đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân sẽ hết hạn vào ngày 15-10-2013. Hệ quả của bất cập này đã dẫn đến nhiều vụ khiếu nại về đất đai, trong đó có những vụ rất phức tạp như trường hợp gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng vừa qua.

Trong khi Luật Đất đai sửa đổi chưa thể thông qua trong kỳ họp QH vừa rồi và phải chờ đến kỳ họp vào tháng 10-2013, trong khi quy định của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là nâng thời hạn giao lên 50 năm đối với loại đất này. Do vậy, QH phải có nghị quyết để gia hạn thời hạn giao đất cho 3 loại đất trên cho đến khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua và có hiệu lực. Nghị quyết này nhằm không tạo ra sự gián đoạn trong quản lý cũng như sản xuất của bà con, nói dễ hiểu là bà con mặc nhiên sử dụng đất như chưa hết thời hạn. 

-Sự nới thời hạn này sẽ góp phần giải phóng sản xuất, thưa ông?

- Việc gia hạn này sẽ làm cho người dân yên tâm làm ăn, không phải thấp thỏm lo bị thu hồi đất và ở góc độ nào đó, sẽ thúc đẩy sản xuất vì người dân yên tâm nâng quy mô sản xuất.
 
Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất của Quốc hội sẽ thúc đẩy sản xuất. Ảnh: CA LINH
 
-Trong quá trình thảo luận tại QH, đã có ý kiến khác nhau về điều kiện gia hạn?
 
- Có ý kiến cho rằng việc gia hạn cần có điều kiện như phải tuân theo Luật Quy hoạch. Cụ thể là đất được giao phải chưa nằm trong quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chỉ giao cho người chấp hành nghiêm pháp luật khi sử dụng mảnh đất đó.
 
Nông dân sẽ yên tâm sản xuất khi được kéo dài thời gian sử dụng đất. Ảnh: THỐT NỐT

Tuy nhiên, số đông cho rằng không cần phải đặt ra điều kiện vì quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 vẫn đang làm và chưa công bố. Việc phải sử dụng đất hợp pháp là đương nhiên vì kể cả trường hợp còn thời hạn giao đất mà vi phạm pháp luật trên diện tích đất đó thì cũng bị thu hồi.

-Có ý kiến băn khoăn những người sinh sau năm 1993 sẽ không được giao đất vì không còn đất, trong khi đất cũ đã giao cho cả người chết thì sao, thưa ông?

- Năm 1993 là thời điểm căn cứ để giao đất và người chết thì thân nhân của họ vẫn được tiếp tục giao đất, trừ trường hợp không có người thân mới bị thu hồi. Thực tế là quỹ đất có hạn, trong khi dân số ngày một tăng nên việc thiếu đất sản xuất nông nghiệp là không tránh khỏi. Tuy nhiên, nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn cũng theo hướng giảm sử dụng đất canh tác.

Hơn nữa, việc thừa kế đất nông nghiệp từ ông bà, cha mẹ là vấn đề đạo lý bởi mảnh đó đã được khai khẩn, chăm sóc qua nhiều thế hệ hay qua nhiều năm. Vả lại, việc giao đất cho người thân cũng nhằm để họ duy trì, phát triển sản xuất. Mặt khác, những diện tích chưa sử dụng sẽ được thu hồi để giao cho người khác. Việc thu hẹp thời gian, diện tích đất của người chết để giao cho người mới là không hợp lý.

-Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua, theo ông “vướng” nhất là vấn đề gì?

- Lùi thời điểm thông qua luật vì có khá nhiều nội dung quan trọng mà nhân dân góp ý vẫn chưa được ban soạn thảo dự luật giải trình, tiếp thu một cách thỏa đáng. Mặt khác, có những vấn đề mà dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi vẫn đang có ý kiến khác nhau như thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội thì việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi là không hợp lý. 

Hay điều 58 dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định: Ngoài việc được giao, cho thuê đất, còn “công nhận quyền sử dụng đất”. Đây là điểm mới của dự thảo Hiến pháp. Điều 58 cũng thừa nhận “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Chúng ta thừa nhận đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng quyền sử dụng đất phải được thừa nhận là quyền tài sản và phải được bảo hộ như một tài sản trong Luật Đất đai sửa đổi.

Vì vậy, khi thực hiện các dự án đất đai, nhà nước phải coi đất đai là tài sản của người dân. Để có quyền này, người dân phải bỏ tiền mua, thuê đất, đóng thuế sử dụng đất và nhà nước không thể thu hồi bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp này, phải dùng quan hệ kinh tế - dân sự, trên cơ sở thuận mua vừa bán. Tôi đề nghị áp dụng hình thức trưng mua quyền sử dụng đất.
 
Nếu trưng mua, ngoài việc bảo đảm tốt hơn quyền của người dân, nhà nước cũng có lợi. Ví dụ, nhà nước giao đất 50 năm, người được giao đã sử dụng 49 năm, đến khi thu hồi, nhà nước chỉ phải trả giá bằng 1/50. Trong khi hiện nay, có trường hợp nhà nước đền bù cho người đã sử dụng đất 49 năm và người mới sử dụng 1 năm như nhau.

Giữ ổn định đất đai đã giao

Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân quy định: Khi hết thời hạn sử dụng, nhà nước không điều chỉnh lại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Đất đai hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành và có hiệu lực; khi đó thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân áp dụng theo Luật Đất đai sửa đổi. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-10-2013.
 
B.Trân

Nên giao đất lâu dài cho nông dân

Nông dân có thể vay vốn ngân hàng

Về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là trên 50 năm, thay vì 20 năm như Luật Đất đai hiện hành. Hầu hết lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã tán thành với đề nghị này.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định: “Nên giao đất dài hạn cho nông dân vì mỗi lần hết hạn phải làm thêm thủ tục rườm rà”.
 
Nông dân muốn được giao đất dài hạn để yên tâm sản xuất.
Ảnh: THỐT NỐT

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng với thời hạn giao đất như vừa qua đã gây ra tình hình rối rắm trong sử dụng đất ở nhiều nơi.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng nếu giao đất lâu dài sẽ có lợi cho nông dân, giúp họ an tâm sản xuất, đầu tư, cải tạo nhằm tăng năng suất. “Tôi thấy tốt nhất là giao đất luôn cho nông dân” - TS Bảnh đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM, cho rằng thời gian qua, rất nhiều nông dân băn khoăn và lo lắng khi đã đến thời hạn 20 năm (1993 - 2013) giao đất nông nghiệp đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản. Họ đã gặp khó khăn trong việc giao dịch liên quan đến sử dụng đất, nhất là việc thế chấp quyền sử dụng để vay vốn. Nhiều ngân hàng đã từ chối cho nông dân vay vốn khi họ dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giao dịch.

Theo ông Phụng, nghị quyết kéo dài thời gian sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn ngân hàng.

THẾ DŨNG thực hiện

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại75,331
  • Tổng lượt truy cập41,255,932
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây