Giảm nhập nguyên liệu Trung Quốc

Thứ năm - 19/06/2014 03:36 846 0
Để tránh lệ thuộc quá lớn việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế

Làm cách nào giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Dệt may thêu đan TP HCM tổ chức ngày 18-6. Nhiều năm nay, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch hàng chục tỉ USD/năm nhưng hơn 50% nguyên phụ liệu đầu vào phải nhập từ Trung Quốc.

Thoát dần sự lệ thuộc

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 17,9 tỉ USD nhưng để có con số này, ngành dệt may phải nhập đến 14,8 tỉ USD. Tính ra, dù là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng chỉ xuất siêu khoảng 3,1 tỉ USD. Cũng trong năm 2013, nhập siêu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc lên đến 36 tỉ USD, trong đó khoảng 60%-70% là nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cho ngành dệt may, da giày.

Năm tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức tăng 19%, đạt hơn 6,6 tỉ USD nhưng doanh nghiệp (DN) trong ngành cũng phải bỏ ra hơn 4,9 tỉ USD để nhập khẩu các loại vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang chuyển sang nhập nguyên phụ liệu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia… Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang chuyển sang nhập nguyên phụ liệu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia… Ảnh: TẤN THẠNH

Theo các DN, Trung Quốc là công xưởng của thế giới về vải, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may với giá cạnh tranh, mẫu mã đa dạng và phong phú. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, cho biết việc mua nguyên phụ liệu đầu vào không chỉ do bản thân DN mà là chỉ định của khách hàng. Với những DN may theophương thức gia công, sự lệ thuộc còn lớn hơn vì không thể chủ động trong quá trình phát triển nguồn cung đầu vào, hoàn toàn do khách hàng cung cấp. “Hiện đa phần DN may mặc có quy mô vừa và nhỏ, chưa chuyển đổi sang phương thức mua nguyên liệu - bán thành phẩm (FOB) nên việc lệ thuộc là khó tránh” - ông Hùng nói.

Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, ông Lê Đông Triều, cho biết vài năm qua một số DN có chuyển sang nhập hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường nhưng không đáng kể. Đến giữa tháng 5-2014, khi tình hình căng thẳng trên biển Đông có thể tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may, các DN càng nỗ lực muốn bứt phá khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Lê Văn Khoa, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc sau sự kiện biển Đông đến nay vẫn bình thường, dù vậy vẫn phải dự trù những tình huống bất thường xảy ra để có biện pháp ứng phó. Việc làm sao giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn lâu dài.

Phải đầu tư cho khâu dệt, nhuộm

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho rằng về lâu dài, cùng với nỗi lo phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, DN cần nhìn xa hơn là làm sao khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán.

Một trong những giải pháp để giảm bớt lệ thuộc đầu vào nhập khẩu là phải tăng tỉ lệ nội địa hóa. Theo đó, khó khăn nhất hiện nay của ngành dệt may là khâu dệt - nhuộm (chuỗi sản xuất của ngành may gồm: sợi - dệt - nhuộm - may) nhưng DN nội rất khó đầu tư. “Đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm cần vốn cả ngàn tỉ đồng, công nghệ xử lý nước thải tiêu chuẩn cao nhưng DN vay vốn chỉ vài chục tỉ đồng thì không làm nổi. Lúc này, cần kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài, không nên sợ chia bớt lợi nhuận và nhà nước cần có chính sách ưu đãi tối đa để thu hút vốn ngoại” - ông Hồng nói.

Ông Lê Văn Khoa thông tin UBND TP HCM vừa chấp thuận về chủ trương cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư một cụm công nghiệp hơn 100 ha (tại KCN Lê Minh Xuân) để đầu tư vào công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may. Khi đó, TP HCM sẽ đề xuất nhiều ưu đãi đặc biệt về thuế, tiền thuê đất, thuế thu nhập… dành cho các DN đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và DN sản xuất tại cụm công nghiệp này.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kêu gọi DN trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Theo đó, DN có thể nhập xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia; nhập sợi từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia hoặc nhập vải từ Hàn Quốc, Malaysia…

Hơn nữa, việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu, tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào là tất yếu để các DN có điều kiện khai thác cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhất là ở khâu sợi, dệt, nhuộm. Hiện các DN đang xuất khẩu hàng may mặc sang các thị trường truyền thống như Mỹ phải chịu thuế suất từ 17%-34%; nếu TPP được ký kết, mức thuế suất sẽ dần về 0% là cơ hội rất lớn.

Tìm thị trường ngách

Theo ông Lê Quang Hùng, DN cần xúc tiến phát triển thị trường ngách bên cạnh những thị trường truyền thống (thường lệ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc và khách hàng chỉ định nhập khẩu nguyên liệu Trung Quốc). Một số thị trường ngách tiềm năng như các nước đang tham gia đàm phán với Việt Nam Hiệp định liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), dự kiến ký kết cuối năm nay. Các thị trường này không quá cầu kỳ về mẫu mã, khả năng không chỉ định nguồn cung nguyên phụ liệu và rất tiềm năng.

 

THÁI PHƯƠNG

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập145
  • Hôm nay4,204
  • Tháng hiện tại51,702
  • Tổng lượt truy cập41,232,303
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây