Luận điểm thứ nhất bảo vệ việc giữ kỳ thi tốt nghiệp: nếu bỏ thi, việc học và dạy học sẽ trở nên chểnh mảng. Mặt trái của lập luận này chính là những gì mà người dân kêu ca nhiều nhất về hiện trạng giáo dục hiện nay. Học thuộc lòng những bài văn mẫu, ghi nhớ nhiều số liệu, ngày tháng, luyện tập với các dạng bài tập toán, lý, hóa quá phức tạp... là phương pháp học hướng tới thi cử.
Nhưng cách học này liệu sẽ giúp các em học sinh những gì trong việc hình thành nhân cách, tư duy khoa học và sáng tạo? Tôi thấy luận điểm này rất yếu, vì chúng ta không muốn học sinh học chỉ để đi thi, bởi vì những gì các em phải học chỉ để thi chưa chắc đã là cái nên học.
Luận điểm thứ hai ủng hộ giữ kỳ thi: nếu không có bằng tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc xin học ở các trường đại học nước ngoài. Lập luận này thật ra cũng không có nhiều cơ sở vì trên thế giới có nhiều nước không có kỳ thi này, ví dụ như Mỹ.
Những nước có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, như Pháp, cũng không có hiệp ước công nhận quy đổi tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông với các nước khác. Đặc biệt là không có thỏa thuận tương tự với nước ta. Trong thực tế, việc xét tuyển vào các trường đại học nước ngoài chủ yếu dựa vào hồ sơ, học bạ cá nhân của học sinh hơn là dựa vào bằng tốt nghiệp phổ thông.
Tuy vậy, vì chúng ta đang có bằng tốt nghiệp nên các trường đại học nước ngoài có thói quen đòi hỏi tấm bằng này. Nếu chúng ta quyết định bỏ kỳ thi, học sinh Việt Nam có nguyện vọng học ở các trường đại học nước ngoài sẽ gặp một chút khó khăn để giải thích chính sách mới. Như vậy, luận điểm này chỉ đúng trong ngắn hạn và không có giá trị dài hạn.
Luận điểm thứ ba để giữ kỳ thi: đối với những người kết thúc việc học tập của mình ở trình độ THPT, họ cần có một cái bằng. Thật ra, bỏ kỳ thi này không đồng nghĩa với việc học sinh học hết cấp III mà không có bằng tốt nghiệp phổ thông. Đánh giá một học sinh có tốt nghiệp phổ thông hay không có thể dựa vào kết quả học tập của các năm học, các kỳ thi kiểm tra định kỳ và bằng tốt nghiệp có thể do trường THPT cấp.
Luận điểm thứ tư là về vấn đề thu nhập: giữa các lao động phổ thông, người có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thu nhập cao hơn so với người không có bằng tốt nghiệp. Lý do này là để giúp những ai có bằng tốt nghiệp THPT được hưởng thu nhập cao hơn.
Theo tôi, luận điểm này cũng rất yếu vì xét cho cùng, đây là một sự bất công cho những người không có bằng tốt nghiệp phổ thông nhưng phải hoàn thành cùng một công việc để có thu nhập.Trong một nền kinh tế lành mạnh, thu nhập của người lao động phụ thuộc vào năng lực của họ đối với công việc được giao chứ không phụ thuộc vào bằng cấp.
Luận điểm thứ năm liên quan đến tính ổn định của hệ thống: có ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam không khỏe mạnh, không nên có những thay đổi quyết liệt. Tôi thấy trước hết phải tách bạch giáo dục phổ thông và giáo dục đại học vì bệnh ở hai nơi hình như rất khác nhau.
Giáo dục phổ thông chưa chắc đã ốm yếu như chúng ta cảm nhận, nếu nó ốm thì cái phần ốm nhất chính là sự gian dối trong thi cử và hệ lụy của nó là phần dạy và học để mỗi học sinh trở thành một công dân có ích cho xã hội cũng ốm theo. Vì vậy cần đánh giá chi tiết và kỹ lưỡng hơn: liệu việc bỏ kỳ thi THPT sẽ ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục như thế nào, liệu nó có gây bất ổn định nghiêm trọng như người ta nghĩ hay không.
Từ phía ngược lại, luận điểm quan trọng nhất ủng hộ việc bỏ kỳ thi là: thực tế cho thấy nếu chúng ta không tổ chức được một kỳ thi trung thực, không có gian dối, ít nhất là không có gian dối ở diện rộng, thì tốt nhất là không nên làm. Đừng vì cái bệnh chuộng bằng cấp mà bao biện những tốn kém khổng lồ về kinh phí, công sức và thời gian, đồng thời làm ngơ trước những biểu hiện rõ nét của sự thiếu trung thực trong thi cử.
Điểm lại những luận điểm kể trên, cá nhân tôi thấy rằng trong hoàn cảnh hiện nay nên xét tới việc bỏ kỳ thi này. Đối với tôi, lý do quan trọng nhất cho việc này không phải là việc tiết kiệm kinh phí, cũng không phải do khó khăn trong việc đảm bảo tính trung thực của cuộc thi, mà là về dài hạn nó sẽ làm thay đổi cách dạy và học, hướng tới kiến thức và phát triển năng lực thay vì hướng tới kết quả thi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, cần tiên liệu trước những khó khăn ngắn hạn mà việc bỏ thi tốt nghiệp có thể gây ra để cân nhắc xây dựng một lộ trình hợp lý.
NGÔ BẢO CHÂU (*)
____________
(*): Với sự giúp đỡ của các cộng tác viên trang hocthenao.vn.
Nguồn tin: Tuoitreonline