Trong cuộc gặp với Thủ tướng Italy, hiện là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) và Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEM lần này, Thủ tướng Matteo Renzi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí các cơ quan hữu quan hai nước cần cùng nhau cố gắng đưa hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ đối tác chiến lược, trao đổi, thống nhất các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối đối tác để đạt mục tiêu đã thống nhất đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. 

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ ODA của Thụy Điển, nhất là trong lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.

Trao đổi với Thủ tướng Ireland Enda Kenny, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hiệu quả của các dự án ODA do Chính phủ Ireland tài trợ và đề nghị Ireland tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả bom mìn. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, biến đổi khí hậu, nông nghiệp.

Tiếp Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tập trung vào một số nội dung cụ thể như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn kinh tế, doanh nghiệp để hai bên tìm hiểu thông tin và cơ hội hợp tác; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển đã thỏa thuận đến năm 2016 và xác định định hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các nước sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) và sớm hoàn tất ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (FTA), thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế.

Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập trong một số cuộc gặp. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Italia đã bày tỏ nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS).