Bánh mì Việt số 1 thế giới (!)

Thứ hai - 20/10/2014 03:52 926 0
Trang Du lịch của BBC vừa có bài viết với tiêu đề “Bánh mì Việt Nam ngon nhất thế giới?”. Tác giả đưa ra nhận xét trên sau khi sang Việt Nam ăn bánh mì nhiều lần. Các chuyên gia ẩm thực, tiêu dùng tham gia ý kiến về nhận định này

Bà Đỗ Mỹ Hạnh, Giám đốc kinh doanh chuỗi thương hiệu BBQ Việt Nam, cho rằng: “Nếu xếp loại thì bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ là tên tuổi nổi tiếng thế giới và đã được thừa nhận. Tuy nhiên, bánh mì Việt Nam cũng có những ưu điểm riêng khi so sánh với nhiều dòng bánh mì khác như Big Mac (của McDonald’s). Các loại burger khác chỉ có nguyên liệu khá đơn điệu còn bánh mì Việt Nam có nhân rất phong phú, có thể biến đổi đa dạng và khá đậm đà. Chúng ta ăn hằng ngày có thể thấy bình thường nhưng người nước ngoài thưởng thức thì sẽ thấy ngon bởi sự khác lạ”.

 

Đơn giản, bình dân nhưng bánh mì Việt xứng đáng đứng số 1 thế giới bởi hương vị và chất lượng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đơn giản, bình dân nhưng bánh mì Việt xứng đáng đứng số 1 thế giới bởi hương vị và chất lượng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Món du nhập, “món Việt Nam”

Tuy vậy, cũng theo bà Hạnh, nói bánh mì Việt ngon nhất thế giới thì đó chỉ là cảm nhận cá nhân của người viết dựa trên khẩu vị riêng. Bánh mì Việt chưa từng được các chuyên gia hàng đầu về thị trường ẩm thực đánh giá và xếp hạng một cách nghiêm túc, khách quan; phần lớn được truyền miệng trên các website, tạp chí về du lịch, ẩm thực. Thực tế, bánh mì chỉ là món du nhập của Việt Nam và sau đó được biến đổi cho hợp khẩu vị và dần trở thành món ăn đường phố phổ biến.

Tuy nhiên, chuyên gia marketing Hoàng Tùng - người sáng lập và điều hành chuỗi Pizza Home - có quan điểm khác: “Theo tôi, xuất xứ của một sản phẩm từ đâu chỉ là một phần rất nhỏ. Bánh mì Việt có ảnh hưởng bởi bánh mì Pháp nhưng cách thức làm nhân, nguyên liệu, gia vị... đều là những cải tiến để biến chuyển chiếc bánh mì đó thành đặc trưng phù hợp với khẩu vị ẩm thực của người Việt” - ông Tùng nhận định và kết luận: “Bánh mì Việt Nam mang trong mình đầy đủ những yếu tố cần thiết để có thể trở thành một sản phẩm thức ăn nhanh tiêu chuẩn quốc tế. Năng lượng của một chiếc bánh mì Việt Nam cũng có thể thay thế một bữa ăn như bánh burger của Mỹ”.

Theo bà Phan Tôn Tịnh Hải, Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề bếp Mint, bánh mì Việt Nam có tính hài hòa và thông vị. Hài hòa ở chỗ kết hợp nhiều thành phần mà không bị chênh lệch. Những thành phần trong và ngoài ổ bánh mình nho nhỏ, gọn gọn ấy vừa phong phú, tổng hợp khéo léo qua các vị giòn, mềm, béo, chua, nồng, cay, đậm, nhạt, và những khó tả hậu vị khác từ thịt, gan, mỡ, rau tươi, ớt... Sự hài hòa đó rất khó có trong các loại bánh mì thịt trên thế giới. Ví dụ, bánh mì thịt ở Trung Đông thiếu hài hòa do vị thịt cừu quá mạnh. Bánh mì Việt còn “thông vị”, tức một cái vị tổng quát, thông thoáng mà bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng dễ chấp nhận.

Đó là nhận xét chính xác!

Nghệ nhân ẩm thực dân gian Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nói như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động. Bà cho biết: “Trước năm 1975, bánh mì Việt Nam - do người Pháp đưa sang nên còn gọi là bánh Tây - đã rất ngon nhưng không có điều kiện phát triển thương hiệu. Về sau và cho đến bây giờ, trên con đường phiêu lưu về ẩm thực, bánh mì Việt đã trở nên ngon nhất thế giới, qua mặt cả bánh burger”.

Người Việt đi đâu cũng đưa bánh mì theo và bánh mì không chỉ phục vụ cho người Việt. Ở Pháp bây giờ, nhiều người dùng bánh mì Tây kẹp gia vị Việt, thịt kiểu Việt. Ở Mỹ, hệ thống cửa hàng bánh mì Lee’s sandwich của một người Việt đã phát triển ra hàng chục bang của nước này, nổi tiếng chỉ sau Phở Hòa Pasteur. Ở Montreal - Canada cũng có một số tiệm bánh mì tại các shopping mall hiệu Cao Thắng sandwich... Bà Phan Tôn Tịnh Hải kể: “Bon Mee - xe bánh mì mà tôi bắt gặp ngay trong sân trường ĐH Harvard (Mỹ) - sau khi tiếp xúc mới biết là tiếng nói trại ra từ “bánh mì”. Nếu tới trường ĐH ẩm thực danh tiếng nhất trên thế giới là Culinary Institute of America (CIA, New York - Mỹ), bạn cũng sẽ thấy bánh mì Việt Nam (viết rõ là “Bánh Mì”) như là một món thông dụng”. Qua đó cho thấy sức sống và sức hút của bánh mì Việt rất mãnh liệt.

Cũng theo bà Vân, hầu như người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng ăn bánh mì kẹp thịt thuần Việt trong khi người Việt đi Tây chưa chắc ăn bánh burger. Hiện có hàng loạt thương hiệu fast food, trong đó có nhiều loại bánh mì ngoại, du nhập Việt Nam nhưng vẫn không thể đánh gục được bánh mì, dù chỉ là những chiếc xe đẩy bán ven đường! Yếu tố làm nên “sức mạnh” của bánh mì chính là tính cộng đồng rất lớn. “Bánh mình kẹp thịt Việt Nam xứng đáng là món ăn ngon nhất, nhì thế giới vì có đủ tinh bột, thịt, gia vị, đồ chua, rau… và có thể ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày; giá cũng khá rẻ” - bà Vân nói. 

 

Chả giò, phở của Việt Nam đã rất nổi tiếng, nay thêm bánh mì được tôn vinh sẽ giúp thế giới biết đến ẩm thực Việt nhiều hơn.

Bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân

 

Việt Nam còn rất nhiều món fast food truyền thống khác có thể trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới như bún, phở, miến…

Bà Đỗ Mỹ Hạnh

Bánh mì Việt Nam được tôn vinh rất nhiều nhưng chưa có thương hiệu chuỗi bánh mì Việt ở tầm quốc gia, chưa nói đến tầm quốc tế.

Ông Hoàng Tùng

 

Một món ăn kỳ diệu (*)

Chiếc taxi đỗ trên con đường náo nhiệt ở phố Huế, tôi bước ra khỏi xe và len giữa những dòng xe máy và ô tô tấp nập để qua đường. Rồi tôi nhìn thấy tấm biển “Bánh mì phố Huế”, tiệm bánh mì giản dị được đặt theo tên một con phố của Hà Nội. Ai cũng nói đây là tiệm bánh mì ngon nhất Hà Nội. Ra đời từ năm 1974, Bánh mì phố Huế nổi tiếng với cả việc đóng cửa chẳng đợi giờ giấc, chỉ cần hết hàng. Thế nên khi đến nơi vào lúc 19 giờ tối thứ bảy mà tiệm vẫn mở cửa, tôi không khỏi sung sướng.

 

Bánh mì Việt số 1 thế giới (!)
 

 

Tên gọi vắn tắt và đơn giản chỉ là “bánh mì” nhưng đó là một sự kết hợp ngon lành và khó có thể đa dạng hơn giữa thịt heo, patê và rau (cà rốt, ngò, dưa leo...). Tất cả được xếp vào ổ bánh (baguette kiểu Pháp) vỏ giòn ruột mềm. Sự đa dạng vùng miền Việt Nam cũng tạo ra những sự khác biệt ở phần nhân bánh, đôi khi sẽ có thêm thịt muối, xúc xích hay các loại rau khác.

... Thế giới không biết về sự tồn tại của loại bánh mì kẹp thịt đáng chú ý này cho đến khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Nhiều người ở miền Nam Việt Nam di cư sang Mỹ, châu Âu và Úc mang theo công thức của loại bánh mì với những hương vị quê nhà...

Khi thử bánh mì ở TP HCM vài năm trước, tôi nhận thấy phần vỏ bánh nhạt nhẽo, còn nhân thì quá ít nên tôi không có ý định ăn cái thứ hai. Tôi đã từng ăn những chiếc ngon hơn ở New York, thậm chí ở Minneapolis! Có phải đó là suy nghĩ điên rồ? Thực sự có phải bánh mì Việt Nam ở nước ngoài ngon hơn? Nay quay lại Việt Nam, tôi quyết tìm ra sự thật. Liệu niềm tin của tôi vào bánh mì ngay tại quê hương của nó có được khôi phục? Bánh mì Việt Nam có phải món bánh kẹp ngon nhất thế giới?

Ở tiệm Bánh mì phố Huế, Geoffrey Deetz, một đầu bếp và chuyên gia ẩm thực Việt Nam đã sống ở đây 15 năm, đang chăm chú hỏi han người làm bánh về các thành phần của nó. Trong khi đó, người bán bánh trao cho tôi ổ bánh mới làm xong với tờ giấy trắng bọc bên ngoài, được cột bằng cọng dây thun.

Mở ổ bánh mì ra, tôi nhận thấy thành phần bên trong gồm thịt heo lát mỏng, xá xíu, chà bông, patê, ngũ vị hương và bơ. Người bán còn rưới một lớp nước xốt thịt cay ở công đoạn cuối cùng. Tôi không thấy cọng rau thơm nào thò ra bên ngoài như bánh mì ở miền Nam hay bánh mì ăn ở nơi khác. Deetz nói với tôi rằng: “Bánh mì ở Hà Nội đơn giản hơn nhiều chỗ khác ở Việt Nam. Nếu đưa cho ai đó ở đây một ổ ngồn ngộn thịt và rau như cách chúng ta hay thấy ở nơi khác, có thể họ không hài lòng đâu”.

Chiếc bánh mì tôi đang cầm trên tay đúng rất khác. Nó có vị ngon như những chiếc bánh kẹp tôi từng ăn ở nơi khác. Gặm một miếng, ta có thể tận hưởng cảm giác thỏa mãn của sự kết hợp hài hòa từ vỏ bánh giòn với vị ngon của thịt và gia vị. Deetz giải thích: “Người Hà Nội không thích những món ăn quá phức tạp. Nhưng mọi thứ bên trong ổ bánh mì đều có vai trò của nó: Ruốc giúp thấm nước xốt, patê tạo nên độ ẩm và khi bánh mì được nướng đủ giòn giúp bánh mì không bị mềm trong thời tiết ẩm”.

... Giống như ở Hà Nội, tôi tìm hỏi tiệm bánh mì nào nổi tiếng nhất Hội An (Quảng Nam). Câu trả lời là Bánh mì Phương nằm trong trung tâm thành phố (2B Phan Châu Trinh). Tôi gọi một chiếc thông thường với nhân là thịt heo và patê. Nhưng họ cũng không quên cho thêm dưa leo lát dài, rau mùi tươi, cà rốt, cà chua. Chưa hết, bà Phương còn rưới lên ổ bánh mì tương ớt và hai loại sốt, một từ thịt nguội và một từ thịt heo nướng. Bánh mì ở tiệm này vốn được nướng tại chỗ nên cắn vào thì giòn tan và nóng hổi trong miệng. Thêm vào đó, thịt heo ngon cùng hai loại nước xốt cộng thêm một chút bất ngờ từ cà chua và đu đủ ngâm đã làm chiếc bánh mì trở nên tuyệt vời trên tay tôi.

Trong 2 tuần ở Việt Nam, tôi đã thử khoảng 15 chiếc bánh mì kẹp thịt. Trong đó có một số ổ quả là loại ngon nhất tôi từng được thưởng thức... Vậy bánh mì Việt Nam có thực sự là loại bánh kẹp ngon nhất thế giới? Tôi xin trả lời rằng sự kết hợp giữa các loại thịt heo và rau tươi được nhồi trong ổ bánh giòn rụm thật sự đã tạo nên điều kỳ diệu cho chiếc bánh mì Việt Nam.

THU HẰNG trích dịch

(*) Bài của David Farley trên BBC; tòa soạn đổi tựa.


Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay4,047
  • Tháng hiện tại74,160
  • Tổng lượt truy cập41,254,761
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây