Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập - Ảnh: AFP |
Bloomberg dẫn phát biểu của ông Carter hôm 13.10 nói rằng Biển Đông đã giúp
Mỹ tăng cường tương tác với các quốc gia châu Á. Ông dẫn ví dụ: Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Nhật là những nước đã tăng cường hợp tác trong thời gian qua với Mỹ, nhận định rằng các quốc gia này hành động vì “trật tự được xây dựng trên nền tảng luật pháp ở Đông Á”.
Tuyên bố của ông Carter được đưa ra sau cuộc họp 2 ngày tại Boston (Mỹ) giữa các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao Mỹ và 2 người đồng cấp Úc.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishopat tuyên bố: “Chúng tôi cũng cùng quan điểm với Mỹ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên không hành động đơn phương, không hành động theo chiều hướng làm leo thang căng thẳng, mà hành động dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự do hàng hải, tự do hàng không”.
Còn ông Carter một lần nữa nhấn mạnh: “Mỹ sẽ đưa máy bay, tàu thuyền vào hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép như chúng tôi vẫn đang làm trên khắp thế giới. Biển Đông không phải và sẽ không bao giờ là ngoại lệ”.
Ngày 13.10, Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Timothy Hawkins cho hay 1 khu trục hạm lớp Arleigh-Burke của Hải quân Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông, rất có thể sẵn sàng nhận lệnh đi vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc xây ở Biển Đông. Trong ảnh: khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông ngày 24.9, xa xa là 1 tàu hộ vệ lớp Giang Hồ V của Trung Quốc bám theo - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, chính quyền nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch đưa tàu chiến và tàu dân sự xuyên qua khu vực 12 hải lý (khoảng 19 km) xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông. Mỹ và cộng đồng quốc tế đều không công nhận chủ quyền phi pháp của Trung Quốc cũng như giới hạn 19 km mà Trung Quốc đơn phương áp đặt xung quanh các đảo nhân tạo này.
Kiều Oanh