Đây là nhận định của giáo sư Tomohito Shinoda (Giám đốc Chương trình nghiên cứu Quốc tế, ĐH Quốc tế Nhật Bản) đưa ra tại hội thảo “Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam” do Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hôm nay (13.10) tại Hà Nội.
Bốn kịch bản cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Tại hội thảo, giáo sư Tomohito Shinoda đưa ra 4 kịch bản về tương lai châu Á - Thái Bình Dương căn cứ trên cân bằng sức mạnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này.
Các kịch bản này có thể được biểu thị như 4 phần, chia bởi 2 trục, trong đó trục hoành thể hiện cân bằng sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc và trục tung thể hiện sức mạnh của Nhật Bản.
Theo kịch bản thứ nhất, trong trường hợp Nhật Bản yếu và Trung Quốc mạnh, châu Á - Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ trở thành khu vực trong đó Trung Quốc giữ vai trò trung tâm.
Trong kịch bản này, sự bá quyền của Trung Quốc và việc Mỹ ít can dự, không tồn tại liên minh Mỹ - Nhật, sẽ dẫn đến kết quả là hầu hết các nước trong khu vực sẽ cùng leo lên một con thuyền
“thân Trung Quốc”.
Ở kịch bản thứ hai, sự kết hợp của Nhật yếu và Mỹ mạnh, trật tự khu vực sẽ do Mỹ đóng vai trò trung tâm với một liên minh Mỹ - Nhật lỏng lẻo. Với kịch bản này, giáo sư Tomohito Shinoda cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ có một mức độ bất ổn cao và nhiều xung đột. Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, Mỹ sẽ tìm kiếm sự ổn định với Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn đến khả năng có nhiều xung đột giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á trong khu vực.
Theo giáo sư Tomohito Shinoda, Nhật muốn tránh khỏi cả 2 kịch bản trên. Ông Shinoda cho rằng với sự kết hợp của Nhật mạnh và Trung Quốc mạnh, khu vực sẽ chứng kiến sự đối đầu giữa liên minh Mỹ - Nhật và Trung Quốc với một sự ảnh hưởng mạnh từ Trung Quốc và sự giảm hiện diện của Mỹ. Điều này sẽ cho ra một khuôn khổ chiến tranh lạnh mới, chia cắt khu vực thành 2 phần.
Kịch bản cuối cùng là trong trường hợp cả Nhật và Mỹ đều mạnh, hai nước sẽ có thể hình thành một trật tự khu vực đa cực bao gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế và quân sự.
“Nhật hy vọng sẽ trở thành một chủ thể quan trọng trong trật tự này, điều mà Trung Quốc sẽ chấp nhận một cách miễn cưỡng”, giáo sư Tomohito Shinoda nhận định.
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách an ninh mới của Nhật ngày càng giảm
Theo giáo sư Tomohito Shinoda, nhiều tính toán quốc tế dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về GDP vào cuối những năm 2020. Tuy nhiên, điều này chưa có gì chắc chắn. Theo ông Shinoda, 30 năm trước đây nhiều người cũng đã dự đoán Nhật sẽ thành một cường quốc kinh tế sánh ngang Mỹ, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Trả lời cho câu hỏi được nêu ra tại hội thảo, giáo sư Yuichi Hosoya (ĐH Keio) cho biết, những
phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách an ninh mới của Nhật ngày càng giảm xuống.
Theo giáo sư Yuichi, sự phản ứng của Trung Quốc chủ yếu để nhằm xoa dịu dư luận chứ không nhắm vào Nhật.
Vẫn theo vị giáo sư này, đầu tư của Nhật Bản ở Trung Quốc là rất quan trọng. Trong thời gian qua, đầu tư trực tiếp của Nhật vào Trung Quốc đã giảm tới 42% nên Trung Quốc cũng rất lo lắng và muốn khôi phục quan hệ với Nhật Bản để hạn chế những tổn hại.