Hô hào suông, khó chặn lãng phí

Thứ tư - 19/06/2013 03:42 980 0
Thực trạng lãng phí bắt nguồn từ người quyết định đầu tư sai trái nhưng luật pháp chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa trách nhiệm của cá nhân gây lãng phí
Ngày 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi (dự luật). Hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng cần có chế tài mạnh mới mong ngăn chặn được nạn lãng phí diễn ra ở nhiều nơi.
 
Một trong những công trình nhà vệ sinh trường học được xây dựng với chi phí hàng trăm triệu đồng ở tỉnh Quảng Ngãi đang được dư luận cho là rất lãng phí Ảnh: TỬ TRỰC

Chỉ rõ người chịu trách nhiệm

Nhận định “quốc nạn” lãng phí không hề thua kém nạn tham nhũng, thậm chí là gay gắt hơn, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) nêu ví dụ: “Lễ lạt, hội hè, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống... làm linh đình quá, tốn kém quá. Họp một buổi trực tuyến có khi tiết kiệm được chi phí xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa”. Vì thế, ông Kỳ hiến kế phải xác định được trách nhiệm người đứng đầu của những cuộc vô bổ, lãng phí mới mong chống được căn bệnh trầm kha này. 
 
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội): “Chống lãng phí ở ta chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai mà chỉ nhắc nhở...” Ảnh: THẾ DŨNG
 
Đánh giá dự luật còn chung chung, chồng chéo, khó khả thi, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) kiến nghị phải làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền trong một số lĩnh vực đang có nhiều hành vi gây lãng phí. Có hậu quả này là do chưa quy được trách nhiệm cho người có thẩm quyền, chưa kiểm soát được những đối tượng cơ hội, lợi ích nhóm.

Vẽ lên bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chỉ thẳng đây là thực trạng lãng phí bắt nguồn từ người quyết định đầu tư sai trái. Không ít trường hợp đằng sau đó là những động cơ vụ lợi nhưng luật pháp chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây lãng phí. ĐB Cao Thị Xuân cũng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định cho được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu khi đưa ra quyết định gây ra lãng phí.

Phát huy sự tham gia của báo chí

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tròn 7 tuổi nhưng ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng luật chỉ “mang tính khẩu hiệu, hô hào” và khó thực hiện. Từ đó, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn ra rộng hơn, trầm trọng hơn. ĐB Trương Thái Hiền mong quy định về chống lãng phí phải giống một phong trào như cấm đốt pháo, sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... dần trở thành nếp sống văn hóa thường nhật trong đời sống xã hội.

Kiến nghị phải áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nêu: “Chống lãng phí ở ta phần lớn là khuyến khích, động viên và cổ vũ, còn chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai mà chỉ nhắc nhở nên chưa được”.

Bên cạnh đề xuất nâng chế tài, nhiều ĐBQH đề nghị phải có quy định về chống lãng phí trong ban hành cơ chế chính sách. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) nêu quan điểm: “Cơ quan soạn thảo, tham mưu, đề xuất và cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, quyết định đầu tư gây lãng phí thì phải bồi thường. Phải có quy định cụ thể nhằm định lượng mức độ vi phạm nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự!”.

Nhiều ĐBQH đánh giá: Khả năng giám sát của các cơ quan báo chí trong lĩnh vực chống lãng phí có hiệu quả khá tốt. Rất nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý không phát hiện được nhưng cơ quan báo chí phát hiện được. Do đó, cần bổ sung quy định các cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Giữ lộ trình thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Cũng trong ngày 18-6, QH thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Phan Trung Lý, cho biết có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc về thời điểm trình thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có thể lùi lại 1 năm để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang được tiến hành đúng các bước theo tiến độ và yêu cầu mà QH đã đề ra. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp sau. Về đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2014 dự án Luật về hội, Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý…, Ủy ban Thường vụ QH kiên trì quan điểm đây đều là các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục soạn thảo để trình Ủy ban Thường vụ QH, QH xem xét đưa vào chương trình các năm tiếp theo khi đã được chuẩn bị kỹ.

Trong ngày, QH cũng đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Sửa đổi; bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

THẾ DŨNG
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRÍ
    0Thích  
    19/06/2013 09:27

    LÃNG PHÍ TRONG LÃNH VỰC ĐẤT ĐAI VÀ TÀI SẢN CÔNG HIỆN NAY AI CHỊU TRÁCH NHIỆM? Qua tính toán của Bộ tài chính nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai, thì có thể số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 đến 5 tỷ USD/ năm, đây là con số không nhỏ nhà nước có thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn thấp kém của nước ta hiện nay. Hiện nay tình trạng lãng phí đất đai và tài sản công ( trụ sở cơ quan) phổ biến trong cả nước nhất là tập trung ở các đô thị lớn ở các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, địa phương kiểm tra phát hiện muốn thu hồi sử dụng chuyển sang mục đích khác phục vụ cho phúc lợi công cộng hoặc thương mại dịch vụ nhưng không thực hiện được. Xuất phát do cơ chế quản lý đất đai hiện nay , các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp…và các đơn vị khác trực thuộc Bộ ban ngành trung ương quản lý ; do vậy địa phương không có thẩm quyền thu hồi đất đai . Trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã tích cực thành lập nhiều đoàn rà soát lại tình hình sử dụng đất đai của địa phương mình, nhằm phát hiện qũy đất công để có phương án để sử dụng cho phúc lợi công cộng như chợ, siêu thị , trường học , bệnh viện , hoa viên, công viên, khu dân cư… , tuy nhiên qua kiểm tra phát hiện đất đai sử dụng chưa hiệu quả còn lãng phí tập trung ở các đơn vị trực thuộc trung ương; như ở TP.HCM nhiều kho bãi với diện tích hàng trăm ha đơn vị không sử dụng , hoặc tự ý cho tổ chức hoặc cá nhân thuê để tăng thu nhập cho đơn vị mình, không nộp cho ngân sách nhà nước một đồng nào, đáng lẽ khoản thu này phải được nộp cho ngân sách nhà nước; như tại Hà Nội các cháu học sinh hệ mầm non mẫu giáo các trường đều quá tải, nhưng địa phương không có đất để xây dựng trường học cho các cháu, mặc dù có nhiều tài sản, đất đai thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không sử dụng lại cho các tổ chức cá nhân thuê. Qua kiểm tra địa phương đã kiến nghị với các Bộ ban ngành trung ương, thu hồi đất của các đơn vị để lãng phí giao cho địa phương quản lý sử dụng, nhưng không được, vì Bộ ban ngành nào đều muốn giữ đất cho ngành mình. Để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện theo quy hoạch đất đai dài hạn , kế hoạch sử dụng từng thời kỳ đã được Hội đồng nhân tỉnh, thành phố thông qua và được Chính phủ phê duyệt cho địa phương, đề nghị trung ương nên phân cấp cho địa phương thẩm quyền thu hồi đất và tài sản trên đất đối với các đơn vị trung ương sử dụng không hiệu quả , tránh tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, hoặc xây dựng phương án đấu giá đất tăng thu cho ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều chỉnh kịp thời tiền thuê đất sát với giá thị trường, để các đơn vị thuê bao nhiêu diện tích cần cân nhắc tính toán nhu cầu cần thiết diện tích để thuê. Một số đơn vị thuộc bộ ban ngành trung ương nhất là Bộ quốc phòng có qũy đất rất lớn nằm trong nội thị thuộc khu vực trung tâm thương mại dịch vụ , nhưng không phát huy hiệu quả tiềm năng của đất , như ở TP.HCM, Hà Nội vv… với quan điểm tấc đất tấc vàng, đề nghị cho phép địa phương được chuyển đổi qũy đất ở vị trí khác thích hợp , nhằm khai thác tiềm năng qũy đất trên phù hợp với quy hoạch đất đai được phê duyệt. Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ chống được sự lãng phí trong lãnh vực đất đai, đồng thời khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay7,123
  • Tháng hiện tại60,332
  • Tổng lượt truy cập41,128,135
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây