Sáng 24.11, anh Nguyễn Gò (thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh, Mộ Đức, Quảng Ngãi) được tức tốc đưa đến BVĐK tỉnh vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc đi làm đồng. Anh Gò cho biết: “Tôi là người thứ 4 trong thôn bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Mấy hôm nay bà con lối xóm đã đập chết mấy con”. 

Rắn không chỉ xuất hiện nhiều ở đồng bằng mà cả huyện miền núi Trà Bồng. Đơn cử, chị Đinh Thị Bua (xã Trà Bùi, Trà Bồng) vừa nhập viện ngày 21.11 vì bị 2 con rắn lục đuôi đỏ cắn cùng lúc. 

Tại Khoa Nội tổng hợp (BVĐK Quảng Ngãi) hầu như ngày nào cũng có người nhập viện vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. BS. Nguyễn Văn Cẩm - Phó Khoa nội Tổng hợp BV - cho biết, ngày cao điểm có đến 4 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. “Các bệnh viện tuyến huyện chưa có huyết thanh kháng độc nên hầu hết các trường hợp bị rắn cắn đều đến bệnh viện tỉnh” - BS. Nguyễn Văn Cẩm nói.

Theo thống kê của BVĐK Quảng Ngãi và các bệnh viện tuyến huyện, từ đầu tháng 11 đến nay có khoảng 50 người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Địa phương có nhiều người nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ nhất là Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn. 

Tại Quảng Nam, tình trạng rắn lục đuôi đỏ cắn người nhập viện cũng tăng mạnh. Ít nhất đến thời điểm này, BVĐK tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 10 trường hợp. Nhiều nơi trong tỉnh như Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn… người dân liên tục phát hiện và bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. 

 Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều

Tại Đà Nẵng, số bệnh nhân bị rắn cắn chuyển đến BV Đà Nẵng ngày càng tăng, trong đó, tập trung tại các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê. Cá biệt, tại Khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng), có buồng bệnh tất cả bệnh nhân đang điều trị vì bị rắn cắn. 

Bệnh nhân Ngô Văn Hùng (P.Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) cho biết: “Khoảng 16h30, tôi đang chăn bò ở khu đất hoang gần nhà thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trước giờ, người dân khu vực tôi ở cũng có người bị rắn cắn nhưng là rắn lục đuôi xanh bình thường chứ không có loại rắn lục đuôi đỏ này”. 

Nhiều người dân tỏ ra hoang mang vì không hiểu sao sống giữa thành phố sầm uất cũng bị rắn lục tấn công. Ông Nguyễn Hoa (70 tuổi, P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) nhập viện 10 ngày nay tại BV Đà Nẵng nhưng bàn chân vẫn còn sưng to và tím tái. “Ăn tối xong tôi ra sân đứng hóng mát thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Tôi đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ói mửa, đi cầu liên tục. Tôi vừa nhập viện được một ngày thì ngay ngày hôm sau, các thanh niên trong xóm cũng đập thêm 3 con rắn lục đuôi đỏ nữa. Rắn lục đuôi đỏ bỗng dưng xuất hiện nhiều khiến người dân chúng tôi thực sự hoang mang vì trước giờ chưa từng thấy loại rắn này” - ông Hoa nói. 

Ông Nguyễn Hoa (70 tuổi, P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại BV Đa khoa Đà Nẵng

BS. Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng) - cho biết, tại đây hiện có 8 bệnh nhân (trong đó Quảng Nam: 4 bệnh nhân; Đà Nẵng: 4 bệnh nhân) đang điều trị vì bị rắn cắn, trong đó phần nhiều là rắn lục đuôi đỏ. Hiện chưa có ca nào tử vong nhưng đều phải điều trị dài ngày. Các bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn sẽ dẫn đến rối loạn trong máu. “Tôi làm hơn 20 năm nay nhưng không thấy tình trạng người dân bị loại rắn này cắn nhiều, nhập viện điều trị như hiện nay tại BV” - bác sĩ Hàm cho biết.

Chính quyền tức tốc vào cuộc

Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân rắn lục đỏ xuất hiện nhiều bất thường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp xử lý và định hướng dư luận xã hội. Công an tỉnh theo dõi nắm tình hình, điều tra, xác minh thông tin phản ánh của người dân về việc có người thả rắn lục đuôi đỏ để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, tránh gây hoang mang, lo lắng cho dân. Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ biến cách phòng tránh, sơ cứu, cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

UBND tỉnh đã chỉ đạo phát động phong trào phát quang bụi rậm để tiêu diệt, xua đuổi và hạn chế rắn ẩn nấp gây nguy hiểm tính mạng cho người dân. Trước đó, ngày 19.11, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi có văn bản hỏa tốc yêu cầu các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và người dân khoanh vùng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện để mở đợt truy bắt. 

Theo GĐ Sở NNPTNT Quảng Ngãi Dương Văn Tô thì đây không phải lần đầu tiên Quảng Ngãi có rắn lục đuôi đỏ. Còn vì sao nó lại xuất hiện với số lượng nhiều như hiện nay thì ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm điều tra, xác minh làm rõ. 

Người dân Quảng Ngãi ra quân phát quang cây bụi rậm để đuổi rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: L.P 

Theo ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - cho biết: Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người tại một số địa phương ở tỉnh là có thật và là hiện tượng lạ từ trước tới nay. Trong đó, rắn xuất hiện nhiều tại các địa phương giáp ranh với Quảng Ngãi. 

“Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo xuống các đơn vị triển khai tuyền truyền cảnh báo cho người dân, tiến hành xác minh nguồn gốc xuất hiện loài rắn này cũng như thông tin có người thả. Đây là một loại rắn không quý hiếm nhưng rất độc và cũng là hiện tượng lạ khi xuất hiện nhiều như vậy” - ông Tuấn cho hay. 

Ông Trần Đình Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP Đà Nẵng - cho biết, ông chỉ nắm thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại địa phương, tấn công người dân qua báo đài và đã giao Chi cục kiểm lâm TP Đà Nẵng vào cuộc rà soát, kiểm tra các khu vực rắn lục đuôi đỏ xuất hiện như thông tin nêu. 

Trong khi đó, ông Trần Văn Lương - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng - cho hay, mấy ngày qua đã triển khai lực lượng kiểm tra liên tục nhưng chưa phát hiện có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện trong khu vực dân cư. Theo ông Lương, trong năm 2013, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở Đà Nẵng nhưng chỉ trên núi Sơn Trà chứ chưa thấy xuất hiện trong khu vực dân cư bao giờ.

 

BS.Phạm Thị Ánh Hồng - Phó GĐ Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng:

Bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì mức độ nguy hiểm hơn rắn lục thường. Khi bị loại rắn này cắn, người dân nên bình tĩnh, sơ cứu vết thương trước khi chuyển đến bệnh viện. Tùy theo vị trí cắn nên mức nguy hiểm khác nhau. Nếu rắn cắn tay, chân thì thời gian thể hiện bệnh chậm hơn so với cắn ở ngực, bụng. Khi bị rắn cắn cần ép chặt vùng bị cắn. Ở chân thì ép từ đầu ngón chân lên khỏi các chi, giữ nọc độc không phát tán. Bệnh nhân không nên rạch, hút, nặng\ máu tại vết rắn cắn, vì làm như vậy sẽ bị nhiễm trùng. 

Thạc sĩ sinh học Nguyễn Thị Hòa (ĐH Phạm Văn Đồng):

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường có thể do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là tình trạng phá rừng làm rẫy khiến môi trường sống và thức ăn của rắn bị thu hẹp nên rắn phải di cư đi nơi khác. Thứ hai, do các loài khắc tinh của rắn bị con người săn bắt. Thứ ba, có thể do mùa lũ năm nay đến muộn, rắn đang vào mùa sinh sản gặp điều kiện thời tiết thuận lợi.