Trả lời: |
1 .Theo quy định tại Điều 3 của Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về ban ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa thì Quỹ Đền ơn đáp nghĩa không thuộc ngân sách nhà nước, Quỹ được hạch toán độc lập, thực hiện chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp hiện hành và báo cáo theo quy định của pháp luật về kế toán. Đối với Quỹ Vì người nghèo: theo quy định tại Quy chế xây dựng, quản lý và sử dụng “Quỹ vì người nghèo” ban hành kèm theo Quyết định số 901/QĐ-MTTW ngày 25/4/2011 của Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thì Quỹ vì người nghèo được hình thành trên cơ sở vận động sự tự nguyện ủng hộ của cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước; quỹ vì người nghèo phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ. Như vậy, các khoản thu, chi của Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo không phải phản ánh vào ngân sách nhà nước. 2. Về cơ sở để xác định những khoản phí phải nộp ngân sách nhà nước: Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí thì: - Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Số tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí; tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước trên kết quả thu phí. - Phí thu được từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, là khoản thu của ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau: + Trường hợp tổ chức thực hiện thu phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thực hiện thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước; + Trường hợp tổ chức thực hiện thu phí chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phần tiền phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước; 3. Về xác định khoản thu vận động nhân dân đóng góp phải nộp ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn thì các khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân theo pháp luật quy định, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các khoản đóng góp tự nguyện khác do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã thuộc nguồn thu của ngân sách xã; các khoản thu từ đóng góp của dân trên nguyên tắc tự nguyện do thôn bản huy động (Hội đồng nhân dân xã cho phép) không đưa vào ngân sách xã theo chế độ quy định. Xã được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để gửi các khoản tiền không thuộc ngân sách xã, Kho bạc Nhà nước quản lý các khoản tiền gửi này theo chế độ tiền gửi. Ngoài ra, các khoản huy động đóng góp tự nguyện vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập theo quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; vận động đóng góp tự nguyện do các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp vận động để thực hiện cho mục tiêu vận động của tổ chức đó, tổ chức thực hiện vận động có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí thu được theo đúng mục tiêu vận động và công khai, minh bạch; vì vậy, không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, không phản ánh vào ngân sách nhà nước. |
Văn bản liên quan: 60/2003/TT-BTC |
Nguồn tin: Bộ Tài chính