Tham dự hội thảo có hơn 180 đại biểu, trong đó có gần 50 học giả quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Trong ba phiên họp, với bảy tham luận và gần 150 ý kiến, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp nhằm đối phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển, cũng như các cơ chế quản lý biển. Các diễn giả tiếp cận về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và Hoa Đông từ nhiều khía cạnh, nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng về quản trị chung và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia liên quan trực tiếp tranh chấp.
Ý kiến chung cho rằng, trật tự quốc tế, an ninh, an toàn trên biển cần tiếp tục được duy trì và cải thiện; Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, được coi là Hiến pháp Biển, cần được tất cả các bên tôn trọng. Các nước liên quan cần hành động có trách nhiệm, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đóng góp lớn hơn, thiết thực hơn nhằm duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực. ASEAN có vai trò quan trọng định hình kiến trúc an ninh ở khu vực và là diễn đàn quan trọng để thảo luận vấn đề Biển Đông, xây dựng các cơ chế quản lý và kiểm soát các tranh chấp biển...
Theo các học giả, phần lớn các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển về bản chất là những vấn đề xuyên quốc gia, thường xuất phát từ các động cơ kinh tế, vì thế các nước liên quan cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ từ khía cạnh kinh tế và xã hội, tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác. Các đại biểu cũng chia sẻ về chính sách quốc gia và kinh nghiệm kết hợp khai thác tài nguyên với bảo vệ môi trường biển theo hướng phát triển bền vững...
Theo Nhandan