Thượng nghị sỹ John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ |
Trong một bài phát biểu hôm 3/6, trước Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tổ chức ở Singapore, Thượng nghị sỹ John McCain đã nói rằng, việc thi hành phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) – nơi đang thụ lý vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ là một thử thách lớn đối với khu vực.
Vị thượng nghị sỹ rất có ảnh hưởng trong Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chuyển từ thái độ mà ông gọi là “ép buộc và đe dọa các nước láng giềng” sang hợp tác.
“Trung Quốc có thể lựa chọn (cách hành xử nào nên làm cho họ), hoặc Trung Quốc sẽ phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ, hoặc trở thành một đối tác quan trọng trong việc duy trì trật tự đó”, hãng tin Reuters trích dẫn phát biểu của ông McCain bên lề Đối thoại Shangri-La.
Thượng nghị sỹ Mỹ nói thêm rằng, ông lo ngại những hậu quả có thể xảy ra nếu Trung Quốc chọn con đường phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ. Theo ông McCain, điều đó có thể buộc khu vực phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa cả về quân sự và kinh tế.
Ông McCain cảnh báo Trung Quốc “sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ thế giới” nếu Bắc Kinh bác bỏ các phán quyết của tòa án tại La Haye - dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ cũng kêu gọi các nước Đông Nam Á xác định lại sự ủng hộ của họ cho một trật tự dựa trên luật lệ.
“Mỹ và cả thế giới đang trông chờ vào các quốc gia Đông Nam Á tái khẳng định lại quyền lực của họ và tìm cách giải quyết (các tranh chấp trên Biển Đông), để duy trì hệ thống (luật lệ) mà sự an ninh và thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc vào”, ông McCain nói.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết New Delhi ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.
Lãnh đạo Quốc phòng Ấn Độ khẳng định: “Chúng tôi rất rõ ràng trong chính sách đối với vùng Biển Đông. Chúng tôi luôn luôn khẳng định rằng, tất cả các bên cần giải quyết này một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác”.
Phát biểu trên của ông Parrikar đã chứng minh những gì mà Trung Quốc tuyên truyền trước đó về cái gọi là sự ủng hộ của Ấn Độ đối với “lập trường Biển Đông” và quan điểm của Bắc Kinh đối với vụ kiện của Philippines, hóa ra là bịa đặt.
Nguồn tin: baodatviet