Tiến sĩ La Thế Phúc (người đứng giữa) trình bày quan điểm về Xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô tại cuộc họp đánh giá, xét duyệt Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá Di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô tỉnh Đắk Nông” do Sở Khoa học Công nghệ tổ chức |
PV: Ông có thể nói rõ hơn về Di sản địa chất tại khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông?
Tiến sĩ La Thế Phúc: Có thể khẳng định rằng, khu vực Krông Nô có bối cảnh kiến tạo khá đặc biệt, có đặc điểm địa chất đa dạng, độc đáo là tiền đề tạo nên sự phong phú, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, di sản thiên nhiên; trong đó có di sản địa chất.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy khu vực Krông Nô có tiềm năng di sản địa chất (DSĐC), chiếm 6/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO, bao gồm: Kiểu A - Cổ sinh; kiểu B - Địa mạo; kiểu D - Đá; kiểu E - Địa tầng; kiểu F - Khoáng vật, khoáng sản và kiểu I - Kiến tạo. Cụ thể:
Kiểu A - Cổ sinh: Được tìm thấy ở nhiều nơi, như: Khu vực thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp và trong các hang C3, C7, C8 khu vực buôn Choáh.
Kiểu B - Địa mạo: Dãy núi Nâm Nung: Được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông (cao 1572m). Từ đỉnh Nâm Nung có những suối nước đổ xuống, qua bậc đá tạo thành thác với nhiều bậc nên có thác Ba Tầng, lại có thác Bảy Tầng tùy theo số lượng bậc thang trên dòng nước hình thành các thác nước đẹp như: Thác Trinh Nữ, Đray Sáp, Gia Long, thác Ngầm, Lưu Ly, Len Gun.... và các hồ nước tự nhiên như: hồ Ea Snô ở xã Đắk Rồ (Krông Nô), hồ Trúc ở xã Tâm Thắng (Cư Jút), hồ Tây ở thị trấn Đắk Mil.
Kiểu D - Đá: Khu vực nghiên cứu có các di sản đá như sau: Đá bazan dạng cột: Phân bố ở khu vực thác Trinh Nữ, Đắk Mil, Ba Tầng...; Đá bazan bọt, bom núi lửa, đá họng núi lửa: phân bố ở Buôn Choáh, Đắk Sô, Thuận An...
Kiểu E - Địa tầng: Có các ranh giới giữa các hệ tầng: La Ngà - Túc Trưng - Xuân Lộc; ranh giới giữa các hệ tầng và các phức hệ magma nêu trên.
Kiểu F - Khoáng vật khoáng sản: Có các điểm quặng khoáng sản: bauxit ở Gia Nghĩa, Đắk Song…; antimon ở xã Đắk Drông (Chư Jút); Thiếc sa khoáng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong); kaolin phân bố rải rác ở Đắk Glong và Gia Nghĩa; than bùn ở Krông Nô, Đắk Song, Đắk Mil; puzolan ở xã Buôn Choáh và Quảng Phú (Krông Nô); bazan cột ở rải rác các huyện Chư Jút, Đắk Mil; đá làm vật liệu xây dựng, sét gạch ngói phân bố phổ biến trong khu vực nghiên cứu…
Kiểu I - Cấu trúc kiến tạo: Giá trị cấu trúc - kiến tạo ở khu vực này là hoạt động của các hệ thống đứt gãy kiến tạo, là kênh dẫn cho dung nham magma từ dưới sâu đưa lên, hình thành các thể magma xâm nhập và phun trào bazan; đã ảnh hưởng tới địa hình địa mạo của khu vực, tạo nên những cảnh quan, thác nước, hồ nước tự nhiên rất ngoạn mục… .
PV: Việc xác lập nên Công viên địa chất cho khu vực Krông Nô dựa trên các yếu tố nào thưa ông?
Tiến sĩ La Thế Phúc: Theo tổ chức UNESCO, điều kiện để trở thành Công viên địa chất (CVĐC) phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố: Thứ nhất là sự đa dạng về địa chất và di sản địa chất; thứ hai là đa dạng về sinh học; thứ ba là đa dạng về văn hóa xã hội và di sản văn hóa.
Cụ thể, khu vực này hiện có điểm phát hiện khảo cổ, 1 di sản văn hóa thế giới là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, 1 di sản cấp quốc gia đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh, 6 di sản cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh khác.
Nơi đây còn có một khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, một khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, với cả nghìn loại động thực vật, trong đó có hơn 100 loài động thực vật được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Như vậy, tiềm năng di sản thiên nhiên và văn hóa ở Krông Nô là vô cùng phong phú, hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập công viên địa chất. Việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị di sản và xây dựng công viên địa chất là cánh cửa mở ra cho vùng đất này cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, DSĐC, di sản thiên nhiên thậm chí cả Di sản văn hóa ở đây chưa được nghiên cứu chi tiết để xác lập đầy đủ, chưa được xác định danh tính để pháp lý công nhận và bảo vệ. Hầu hết người dân và các nhà chức trách đều không nhận biết được đâu là DSĐC, di sản thiên nhiên nên chưa có biện pháp bảo vệ, bảo tồn về mặt pháp lý và thực tế dẫn đến DSĐC đã và đang bị xâm hại.
Một cửa hang trong hệ thống hang động núi lửa gần Cụm thác Đray Sáp - Gia Long , huyện Krông Nô. Ảnh: Ngọc Tâm |
PV: Việc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá Di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ La Thế Phúc: Mục tiêu lâu dài của đề án là bảo vệ, bảo tồn, quản lý và khai thác, phát huy các giá trị di sản khu vực Krông Nô một cách hợp lý, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Mục tiêu cụ thể của đề tài là: Điều tra, xác lập được đầy đủ các di sản phân bố trong khu vực huyện Krông Nô và kế cận thuộc tỉnh Đắk Nông; Khảo sát, đo vẽ chi tiết và đánh giá độ an toàn của các hang động thuộc hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô phục vụ cho việc đầu tư, phát triển du lịch; Đánh giá các giá trị di sản và xây dựng được hồ sơ, trình duyệt công nhận CVĐC Quốc gia hướng tới hình thành CVĐC toàn cầu cho khu vực Krông Nô.
Theo đó, một CVĐC ra đời sẽ có vai trò, giá trị và lợi ích hết sức quan trọng. Đối với nghiên cứu khoa học, CVĐC là một phòng thí nghiệm ngoài trời vô tận cho các nghiên cứu, thực nghiệm, trải nghiệm về lĩnh vực tự nhiên và văn hóa, xã hội, di sản văn hóa và các di sản địa văn hóa... Đây cũng là nguồn cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật, phát minh phát kiến khoa học kỹ thuật.
Đối với giáo dục, nội hàm của CVĐC là những bộ giáo cụ trực quan tuyệt vời cho công tác giảng dạy - học tập về lịch sử của thế giới tự nhiên và lịch sử văn hóa xã hội cho học sinh, sinh viên và cộng đồng. Đối với cộng đồng, CVĐC là nơi tham quan du lịch thưởng ngoạn, nâng cao dân trí về khoa học địa chất, sinh học, lịch sử, văn hóa và pháp luật; khơi dậy và phát huy tình yêu thiên nhiên - đất nước - con người để sáng tác văn hóa, nghệ thuật. Đây còn là nơi thực hiện tốt vai trò công dân đối với việc thực thi chấp hành pháp luật, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đối với kinh tế - xã hội, các tài nguyên di sản có trong CVĐC được bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác hợp lý cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Người dân trong khu vực có cơ hội lớn về công ăn việc làm, phát triển ngành nghề truyền thống và nhiều ngành nghề mới liên quan đến dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Hằng thực hiện
Nguồn tin: Báo Đăk Nông