Tiền gửi kỳ hạn dài chiếm tỷ lệ thấpTại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh, tính đến hết tháng 9/2013, tổng vốn huy động được hơn 1.940 tỷ đồng, nhưng nguồn có kỳ hạn trên 12 tháng chỉ có 340 tỷ đồng. Ông Ðinh Văn Công, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, khi tiền Việt Nam đồng không ổn định, người gửi tiền chỉ chọn các kỳ hạn ngắn. Còn đối với kỳ hạn dài hơn, ngoại trừ các ngân hàng nâng mức lãi suất hấp dẫn mới thu hút được. Mặc dù đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng, các ngân hàng được phép thỏa thuận với khách hàng, nhưng vẫn không thể vượt quá mức cho phép”.
|
Đa số khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh là gửi có kỳ hạn ngắn |
Ông Công phân tích thêm, thực tế, đa số các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều không thiếu vốn, nhưng chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn ngắn. Trong khi dư nợ trung và dài hạn của ngân hàng đang tăng dần lên, nhất là đối với các dự án lớn nên các ngân hàng rất cần đến nguồn tiền gửi có kỳ hạn dài. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, việc giữ vững ổn định nguồn vốn huy động đã khó, chứ nói gì đến tăng trưởng lượng tiền gửi có kỳ hạn dài.
Còn tại Chi nhánh Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển tỉnh, thời điểm này, tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng chỉ chiếm gần 15% trong tổng số vốn huy động là trên 700 tỷ đồng. Với vốn huy động tại chỗ thấp, chủ yếu là vốn ngắn hạn nên đơn vị chưa thể tự cân đối vốn để phục vụ nhu cầu vay. Hiện tại, đơn vị phải nhận vốn điều hòa từ Hội sở chính với chi phí khá cao, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.
Tìm hiểu một số khách hàng hiện đang tham gia gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trên địa bàn thì được biết, hầu hết họ chỉ gửi vốn nhàn rỗi của mình trong khoảng từ 3 đến 6 tháng; còn gửi từ 6 tháng đến hơn 1 năm chiếm con số rất khiêm tốn. Bà Lê Phương Ngân, khách hàng gửi tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương cho hay: “Khi có nguồn vốn nhàn rỗi, tôi thường chọn gửi kỳ hạn 3 tháng chứ không dám gửi kỳ hạn dài vì giá tiêu dùng vẫn ở mức cao và lãi suất không ổn định”. Tương tự, chị Lê Thị Thắm, gửi tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho rằng: “Tôi vẫn chọn giải pháp gửi kỳ hạn 3 tháng, vì thời gian gần đây, lãi suất tiền gửi liên tục biến động. Hơn nữa, gửi kỳ hạn ngắn, khi có việc gì đột xuất, tôi có thể lên ngân hàng làm thủ tục rút nhanh gọn hơn”.
Đẩy mạnh thu hút khách hàngCó thể nói, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần phải chăm sóc tốt khách hàng để biến nguồn vốn ngắn hạn thành nguồn vốn dài hạn.
Nói về việc thu hút khách hàng, ông Ðinh Văn Công chia sẻ quan điểm: “Hiện nay, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn nên chính ngân hàng phải tự đi tìm khách hàng cho mình. Bởi vậy, nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, nhất là khách hàng có quan hệ truyền thống là giải pháp quan trọng để đơn vị duy trì ổn định mức huy động. Hàng tháng, chi nhánh gắn huy động vốn với công tác thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tập thể đạt thành tích cao. Nhiều chương trình khuyến mãi đa dạng, phong phú như: phát hành chứng chỉ tiền gửi dự thưởng năm 2013; tiết kiệm dự thưởng 25 năm thành lập Agribank- May mắn nhân ba, gửi tiền trúng liền… thường xuyên được đơn vị triển khai”.
Tương tự, tại các ngân hàng khác, ngoài tổ chức các chương trình khuyến mãi, công tác chăm sóc khách hàng, mức lãi suất khá hấp dẫn đối với tiền gửi có kỳ hạn dài đã và đang được áp dụng.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì nguyên nhân chính của việc huy động vốn trung, dài hạn không hiệu quả là do người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự ổn định của Việt Nam đồng. Ðể thu hút khách hàng, ngoài đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc khách hàng, một số ngân hàng trên địa bàn đã có động thái nâng mức lãi suất lên một chút, nhưng vẫn đang ở mức cho phép, chứ không trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hiện tại, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện lãi suất huy động, cho vay. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm khách hàng, các ngân hàng cần phải cạnh tranh một cách lành mạnh, tránh tình trạng “lách” trần lãi suất, nhất là đối với lãi suất huy động có kỳ hạn dài.
Bài, ảnh: Nguyễn Lương