Theo đó, việc từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, y bác sĩ luôn được trạm y tế xã chú trọng thực hiện. Hàng năm, trạm đã tạo mọi điều kiện để cán bộ, nhân viên được tham gia các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh, để nâng cao trình độ chuyên môn.
Ðến nay, trạm đã có đủ biên chế và hầu hết cán bộ, nhân viên đều đã đạt trình độ chuẩn, gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ đông y, 3 điều dưỡng trung học, 2 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ trung học. Ðiểm nổi bật của Trạm y tế xã là công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, trong đó chú trọng về việc khám, lập sổ quản lý, theo dõi người bệnh theo từng cụm dân cư.
Với tinh thần phục vụ tận tình nên trạm ngày càng thu hút được đông đảo người dân trong vùng đến khám, chữa bệnh, nhất là đối tượng dùng thẻ bảo hiểm y tế. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 lượt bệnh nhân đến khám.
Với đặc điểm là địa bàn xã có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, hàng năm, trạm đã tích cực tham mưu với UBND xã xây dựng các kế hoạch và phương án phòng, chống dịch theo mùa, dịch tiêu chảy cấp, dịch sốt xuất huyết...
Trạm cũng định kỳ tổ chức tư vấn trực tiếp về sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng…. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh thôn xóm, ăn ở hợp vệ sinh, từng bước xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, không có lợi cho sức khỏe.
Trạm cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trong việc tổ chức tuyên truyền phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống chỉ còn 19,1% và 100% số trẻ trong độ tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Tất cả trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi được uống bổ sung vitamin.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn xã cũng được trạm quan tâm thực hiện có hiệu quả. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có trên 83% phụ nữ mang thai được khám trên 3 lần; 90% phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế; trên 97% phụ nữ được chăm sóc sau sinh 42 ngày.
Theo bác sĩ Trần Quốc Ngữ, Trưởng Trạm y tế xã Ea Pô thì cùng với việc được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì việc nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đã giúp trạm được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2007.
Ðến năm 2012, đơn vị cũng là một trong 7 trạm y tế trong toàn tỉnh giữ vững được danh hiệu trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Ðây cũng chính là nguồn động lực để toàn thể cán bộ, nhân viên của trạm phấn đấu hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Đăk Nông