Về lâu dài, để bảo đảm kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển ổn định, bền vững, Thủ tướng Chính phủ gợi ý tỉnh cần phát huy ưu thế đất đai rộng, thời tiết nắng nhiều, mưa ít để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập cho người dân. Ninh Thuận có lợi thế chiều dài bờ biển hơn 105 km, nhiều vũng, vịnh nên đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đặc biệt xây dựng địa phương thành trung tâm tôm giống của cả nước.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cùng với tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch cụ thể, phân kỳ đầu tư đối với các dự án quy mô lớn về xây dựng hồ, đập thủy lợi; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kiến thiết đô thị TP Phan Rang - Tháp Chàm, dự án tái định cư liên quan đến đồng muối Quán Thẻ ở huyện Thuận Nam...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 hộ với gần 20.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Các xã Phước Trung (huyện Bác Ái); Nhơn Sơn, Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn); Nhơn Hải, Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải); Phước Nam (huyện Thuận Nam)... là những vùng khô hạn khốc liệt nhất.
Trong vụ đông xuân 2014-2015, tổng diện tích đất sản xuất không thể gieo cấy do thiếu nước tưới là 6.100 ha. Trong đó, cây lúa trên 3.200 ha, hoa màu 2.900 ha, ước tính thiệt hại trên 30.000 tấn lương thực.
Thống kê chưa đầy đủ của tỉnh này cho thấy hiện có trên 50 ha lúa chết cháy (thiệt hại 100%), 135 ha cây màu giảm năng suất 50%; trên 80 ha nho, táo bị mất trắng hoặc giảm năng suất 50%, trên 1.100 ha mía thiệt hại từ 40%-70%. Do thiếu nước uống, thức ăn nên đàn gia súc suy kiệt trầm trọng. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 350 gia súc chết (dê, cừu khoảng 300 con, còn lại là trâu và bò). Nắng hạn gay gắt cũng làm cháy trên 10 ha rừng trồng, chủ yếu ở 2 huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái. Ước tính tổng thiệt hại do hạn hán gây ra ở tỉnh Ninh Thuận lên đến trên 130 tỉ đồng.
Theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn, đây là đợt nắng hạn chưa từng có trong hơn 20 năm qua ở Ninh Thuận.
Nguồn tin: NLĐ Online