Bắc Kinh hậu thuẫn?
Mục tiêu của chiến dịch là thu thập tin tình báo về chính trị, kinh tế và quân sự từ các hệ thống mạng bí mật, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Báo cáo nêu rõ nhóm tin tặc Trung Quốc, được mệnh danh APT30, tấn công mạng từ năm 2005 và trong một số vụ, họ sử dụng email được viết bằng ngôn ngữ bản địa có chứa phần mềm độc hại. Năm 2014, nhóm APT30 tiến hành những vụ tấn công mạng nhắm vào hơn 30 cá nhân làm việc trong lĩnh vực tài chính và quốc phòng của một chính phủ (không nêu tên) tại Đông Nam Á. Nhiều nhà quản trị mạng bị lừa tải phần mềm độc hại về máy tính riêng ở nhà.
Theo FireEye, các tin tặc làm việc theo ca và phát triển phần mềm gián điệp độc hại một cách nhất quán trong nhiều năm, qua đó cho thấy trình độ tổ chức rất cao. Điều này, cộng với mục tiêu và mục đích tấn công, khiến FireEye tin rằng APT30 được sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh.
Theo tờ The Wall Street Journal, ngoài các nước Đông Nam Á, mục tiêu bị tin tặc Trung Quốc “hỏi thăm” còn có các công ty quốc phòng, viễn thông Ấn Độ và 2 chính phủ Bhutan, Nepal. Ông Bryce Boland, Giám đốc kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FireEye, nhận xét khó đánh giá hết những thiệt hại vì sự việc kéo dài và ảnh hưởng có thể rất lớn.
Khi được hỏi về báo cáo của FireEye, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 13-4 lặp lại “quan điểm cấm và triệt phá bất cứ hoạt động tấn công mạng nào”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ nhắc lại những tuyên bố trước đây của chính phủ nước này và không bình luận thêm, còn Cơ quan Quản lý không gian ảo Trung Quốc im hơi lặng tiếng.
Thiệt hại 100 triệu USD/năm
Trung Quốc từng vướng cáo buộc do thám các nước Nam Á và Đông Nam Á trước đây. Theo Reuters, năm 2011, các nhà nghiên cứu của công ty bảo mật McAfee thông báo về chương trình có tên “Chuột giấu mặt” tấn công các chính phủ và viện nghiên cứu ở châu Á.
Về tình hình biển Đông, Philippines ngày 13-4 cáo buộc các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở vùng biển này đã tàn phá 1,2 km2 rạn san hô, ước tính gây thiệt hại 100 triệu USD/năm cho các quốc gia ven biển. Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh các hoạt động cải tạo của Trung Quốc đang gây thiệt hại “không thể đảo ngược và lan rộng” đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở biển Đông.
Manila còn cho rằng hoạt động cải tạo đó sẽ gia tăng mức độ quân sự hóa và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. “Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên biển Đông bất kể người dân các nước xung quanh - vốn phụ thuộc sinh kế vào biển cả bao đời nay” - Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ. Ngoài ra, Manila cho rằng Bắc Kinh cổ xúy cho ngư dân nước này đánh bắt quá mức tại bãi cạn Scarbrough.
Theo Reuters, dù không phải là nước có tranh chấp trên biển Đông song giới chức quân sự Indonesia cáo buộc Trung Quốc gộp cả quần đảo Natuna vào “đường lưỡi bò”. Ngày 13-4, người phát ngôn Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir cho biết nước này muốn tập trận chung thường niên với Mỹ ở gần Natuna. Cuối tuần trước, Washington tổ chức một cuộc tập trận chung với Indonesia tại đảo Batam, cách Natuna 300 km. Theo giới chức Indonesia, cuộc tập trận chung với Mỹ cũng như việc nâng cấp căn cứ quân sự tại Natuna không nhằm đáp lại bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào.
Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự
Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) hôm 13-4 cho biết Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới về chi tiêu quân sự trong năm 2014, chỉ sau Mỹ và đứng trên Nga - với 216 tỉ USD, tăng 9,7% so với năm 2013. Theo đánh giá của SIPRI, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế nước này, duy trì ổn định 2%-2,2% GDP trong suốt thập kỷ qua. Năm 2012, Trung Quốc từng là quốc gia duy nhất trong 5 cường quốc hạt nhân (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc) tăng cường kho vũ khí hạt nhân.
Tổng chi phí toàn cầu cho các mục đích quân sự năm 2014 là 1.776 tỉ USD, giảm 0,4% so với năm 2013 và chiếm 2,4% GDP toàn cầu. Đây là năm thứ ba liên tiếp chi phí quân sự toàn cầu giảm sút. Chi tiêu quân sự ở Mỹ và Tây Âu giảm nhưng tăng ở Đông Âu, châu Á, châu Phi, châu Đại Dương và Cận Đông; còn ở Mỹ Latin không thay đổi. Ả Rập Saudi đứng đầu 15 quốc gia tăng mức chi tiêu quân sự, với tỉ lệ 17%. Đặc biệt, do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các quốc gia ở gần Nga - như Trung Âu, khu vực Baltic và Scandinavia - đều đã tăng ngân sách quốc phòng. Ông Sam Perlo-Freeman, trưởng bộ phận nghiên cứu về chi tiêu quân sự của SIPRI, nhận định mức độ chi tiêu quân sự phản ánh tình hình an ninh thế giới xấu đi và trong nhiều trường hợp đó là hệ quả của nạn tham nhũng, lợi ích cá nhân và cai trị độc đoán.
Lục San
Nguồn tin: NLĐ Online