|
Các tàu và máy bay của lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản và hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận chung năm 2010 ở quần đảo Okinawa. Ảnh: UPI |
Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở phía tây nam Nhật Bản, có sự tham gia của 6 chiếc US FA-18 và khoảng 90 quân nhân Mỹ, cùng 4 phi cơ F-4 của Nhật, tờ SCMP dẫn lời một quan chức Nhật cho hay.
Theo AFP, địa điểm tiến hành tập trận nằm ở không phận phía ngoài khơi đảo Shikoku, đảo lớn thứ tư của Nhật Bản.
Trước đó, hôm thứ năm vừa rồi, máy bay quân sự của Trung Quốc lại đến gần không phận phía trên quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật gọi là Senkaku. Căng thẳng giữa hai nước vẫn kéo dài vì tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này.
Nhật điều các máy bay F-15 từ Okinawa tới để xua đuổi máy bay Trung Quốc. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cho hai chiến đấu cơ J-10 theo dõi các phi cơ Nhật.
Video máy bay Mỹ, Nhật Bản tập trận chung |
Kể từ khi Nhật công bố quốc hữu hóa ba trong số các đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9, các tàu và máy bay của Trung Quốc tăng cường tần suất tiếp cận quần đảo, và mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên xấu đi.
Tân thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngay từ khi đắc cử hồi cuối năm ngoái. Chính phủ Nhật Bản tuần trước cũng đề xuất tăng ngân sách quốc phòng cho năm nay, trong một gói kích thích kinh tế do tân thủ tướng đưa ra.
Hôm 13/1, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) vừa có cuộc diễn tập quân sự đầu tiên được thiết kế nhằm giành lại "một đảo xa bị kẻ thù xâm chiếm".
Khoảng 300 binh sĩ tham gia trong cuộc diễn tập dài 40 phút này, cùng 20 chiến đấu cơ và hơn 30 xe quân sự tại đồn trú Narashino ở Chiba, đông nam Tokyo. Khoảng 80 quân nhân thuộc Lữ đoàn Không quân Số một của SDF đã cùng nhảy dù từ các trực thăng xuống một đảo xa để chiến đấu với lực lượng đối phương.
Hồi tháng 10/2012, Nhật Bản và Mỹ từng hủy kế hoạch tập trận chung với kịch bản tương tự trên, do Tokyo không muốn Trung Quốc "nóng mặt". Cuộc tập trận chung lần này, kéo dài đến 18/1 tới, chưa có dấu hiệu gì cho thấy nhắm vào Bắc Kinh và cũng cách xa các khu vực tranh chấp.
Dù liên minh Mỹ-Nhật hầu như được công chúng ủng hộ, vẫn có một số căng thẳng phát sinh giữa các căn cứ Mỹ và cộng đồng dân cư sở tại, thường là do tiếng ồn và nguy cơ gây tai nạn của các phi cơ cũng như tình trạng tội phạm liên quan.
Anh Ngọc
Nguồn tin: VnEpress.net