Sáng 27-2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên và một số tổ chức khác góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Góp ý về quyền cơ bản của công dân, GS-TS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đưa lại toàn bộ các quyền tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng trong Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, việc kèm theo câu “theo quy định của pháp luật” cũng có nghĩa các quyền tự do đó không có giá trị. Vì vậy, ông đề xuất nên sửa thành “nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân”.
Tại điều 58, dự thảo ghi “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và những dự án kinh tế-xã hội”, GS-TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần phải sửa. “Vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích chung thì được, chứ vì những dự án kinh tế - xã hội là một điều vô lý” - ông Dũng nhận định. Vì vậy, theo ông, cần bỏ đi cụm từ “những dự án kinh tế - xã hội”.
Tại điều 120 của dự thảo về Hội đồng Hiến pháp, ông Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, cho rằng các quy định tại điều 120 là không đúng tầm của Hội đồng Hiến pháp. “Hội đồng Hiến pháp quyền lực không hơn gì một ủy ban của Quốc hội. Nhiệm vụ của hội đồng cũng mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, đề xuất, yêu cầu mà thôi” - ông Tá nhận xét. Từ đó, ông đề nghị nên lựa chọn theo mô hình Tòa án Hiến pháp thay vì Hội đồng Hiến pháp. “Tòa án Hiến pháp là cơ quan hoàn toàn độc lập, chỉ tuân theo Hiến pháp, có quyền đình chỉ, bác bỏ, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát, nếu những văn bản ấy vi hiến hay trái với Hiến pháp và pháp luật; có quyền phán xét, luận tội các quan chức cấp cao” - ông Tá nói.
Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng sau khi lập xong bản Hiến pháp này cần quy định quyền phúc quyết của nhân dân chứ không phải giao cho Quốc hội xem có nên hỏi ý kiến nhân dân hay không mới thi hành.
Bồi thuờng đất theo giá thị truờng Ngày 27-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ở thủ đô. Chủ tịch Quốc hội cho rằng TP đã làm rất tốt, thu được nhiều ý kiến có chất lượng đóng góp cho dự thảo. Cùng ngày, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, các đại biểu đề nghị sửa cụm từ “bồi thường theo quy định của pháp luật” trong khoản 3 điều 58 dự thảo Hiến pháp thành “bồi thường theo giá thị trường” nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất. |