Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước

Chủ nhật - 19/06/2016 22:32 1.087 0
Đó là mục tiêu tổng quát của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020 theo Kế hoạch số 193/KH-UBND mà UBND tỉnh vừa mới ban hành.

Trong hàng loạt các nội dung của chương trình thì vấn đề phòng, chống đuối nước trẻ em được đặc biệt nhấn mạnh. Mục tiêu cụ thể là giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 30% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 75% huyện, thị xã triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.

Để đạt mục tiêu đó, UBND tỉnh yêu cầu toàn tỉnh tập trung xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em cũng như đẩy mạnh phát triển mạng lưới dịch vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em trong môi trường nước.

Cùng với việc triển khai chương trình bơi an toàn, hướng dẫn sử dụng các thiết bị an toàn trong môi trường nước cho trẻ em thì các ngành chức năng, địa phương cần xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Tỉnh cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý bể bơi và tổ chức hoạt động dạy bơi cho trẻ em.

Ngày hè, nhiều trẻ em thường ra tắm tại đập Sình Ba, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Ảnh: Thanh Nga

Kế hoạch, chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, với các nội dung cụ thể, rõ ràng, nhưng để nó thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả là một vấn đề không phải dễ. Năm nào tỉnh cũng phát động Tháng hành động vì trẻ em, kêu gọi toàn xã hội chung tay, góp sức chăm sóc, bảo vệ trẻ em, dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, một điều đáng buồn, không kể đến các thương tích, tai nạn khác, tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước vẫn còn diễn ra hết sức đau lòng, nhức nhối.

Trong các tai nạn, thương tích trẻ em lâu nay thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em. Thực tế này đã và đang đặt ra cho các gia đình, nhà trường, xã hội cần phải làm gì để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, góp phần phòng, chống đuối nước. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm giáo dục, hướng dẫn các nội dung liên quan đến trẻ em thì thiết nghĩ chúng ta phải thật sự vào cuộc, bằng những hành động, hoạt động cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng hồ bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em để góp phần hạn chế tình trạng đuối nước là vấn đề cần phải được tính đến một cách nghiêm túc.

Lâu nay, tại các địa phương trong tỉnh đã có một số hồ bơi do tư nhân xây dựng, phục vụ trẻ em đến tắm, học bơi, nhưng số lượng còn quá ít, khó đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của trẻ em, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hồ bơi đòi hỏi kinh phí rất lớn cũng như duy trì hoạt động của nó là chuyện không phải dễ. Vì vậy, khác với các môn thể thao khác, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi rất ít được các doanh nghiệp, người dân quan tâm. Nói như vậy không phải là không thể làm được, nếu chúng ta có những cơ chế, chính sách ưu đãi cần thiết thì cũng sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp, người dân có sự quan tâm thích đáng đến việc đầu tư xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi.

     

Cách làm hay ở Đà Nẵng

Hiện nay, TP. Đà Nẵng được xem là địa phương đang làm rất tốt việc đầu tư xây dựng hồ bơi và tổ chức dạy bơi cho học sinh, trẻ em tại các khu dân cư, trường học. Ngoài kêu gọi xã hội hóa, Đà Nẵng còn ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng hồ bơi di động cho các trường học ở địa bàn khó khăn.

Tính đến nay, toàn thành phố đã có gần 50 hồ bơi các loại và chỉ riêng trong năm học 2015-2016 vừa qua có đến hơn 5.500 học sinh được dạy bơi. Vào đầu tháng 6 này, Đà Nẵng còn phát động phong trào trẻ em học bơi, với mục tiêu phấn đấu tất cả học sinh tốt nghiệp tiểu học đều biết bơi.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, các hồ bơi di động cũng không thu phí mà được thành phố hỗ trợ kinh phí hoạt động. Điều đáng nói là các loại hồ bơi di động khá đơn giản, không đòi hỏi kinh phí lớn, dễ lắp đặt, tiện dụng, vì làm từ các vật liệu nhẹ, với diện tích vài chục mét vuông, đủ để có thể dạy bơi cho học sinh, trẻ em tại chỗ.

Mặc dù biết rằng, so sánh là khập khiễng, nhưng đây là mô hình mà tỉnh ta có thể tham khảo, học tập cách làm để triển khai, kêu gọi xã hội hóa xây dựng hồ bơi, tổ chức dạy bơi, tạo sân chơi an toàn, bền vững cho trẻ em, học sinh như mục tiêu chương trình đặt ra.

 

 

Tường Mạnh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay942
  • Tháng hiện tại69,652
  • Tổng lượt truy cập41,353,852
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây