Đó là lần tòa soạn phải xin lỗi bạn đọc do tôi đã thu thập số liệu không chính xác, dẫn tới đưa thông tin sai. Mặc dù đã thu thập thông tin qua một báo cáo, nhưng do báo cáo viết chung chung, bản thân lại không nắm rõ chuyên ngành nên tôi đã gom số liệu lại viết thành một cái tin tổng hợp và dẫn đến sai phải đính chính. Qua đó, tôi nhận thấy rằng, dù gấp gáp, dù nhanh tới đâu thì khi thu thập số liệu, phóng viên cũng cần có sự kiểm chứng số liệu nơi cơ quan chức năng liên quan.
Khi tòa soạn đính chính, bản thân tôi cảm thấy vô cùng có lỗi, áy náy, nhiều đêm mất ngủ và suy nghĩ giá như mình cẩn thận hơn, không chủ quan thì đã không làm mất uy tín của bản thân và cơ quan.
Sau này, khi cầm bất kỳ một văn bản nào trên tay, tôi đều nghiên cứu kỹ càng. Nếu phát hiện thấy có số liệu hay câu chữ có “vấn đề”, tôi đều hỏi lại cơ quan làm báo cáo. Chính sự thẩm định lại số liệu này đã giúp tôi hiểu rõ hơn về bản chất sự việc, hoạt động, nên khi thể hiện tác phẩm có được những ngôn từ, cách lập luận, đặt vấn đề và mổ xẻ sâu hơn, hay hơn.
Không ít lần khi nhận được sự thắc mắc của tôi về số liệu, câu từ thì một số cán bộ, nhân viên làm báo cáo phải “ngớ người” vì đã làm chưa thật sự chính xác. Qua đây, tôi cũng vun đắp được thêm mối quan hệ của mình với cơ sở, được họ tin tưởng hơn, thuận lợi cho quá trình làm việc.
Cũng từ lần đính chính đó, tôi đã cẩn thận hơn trong từng câu chữ, bởi hiểu được rằng, từng câu chữ của mình sẽ có tác dụng tích cực trong việc khen, chê ai đó hoặc chuyện gì đó. Nếu mình vì một lý do nào đó mà làm sai lệch vấn đề thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con người, câu chuyện trong tác phẩm và hạ thấp uy tín bản thân.
Nghề báo là vậy đó, vừa phải bảo đảm được sự nhanh nhạy theo dòng sự kiện, vừa phải đúng và trúng để kịp thời định hướng cho người đọc. Tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân, “đứa con tinh thần” của mình muốn hay trước tiên phải đúng và trúng để không bao giờ phải đính chính.
Hồng Thoan