Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định công dân có quyền hưởng phúc lợi xã hội, bao gồm quyền được bảo đảm an sinh xã hội (điều 35), quyền được bảo vệ sức khỏe và sử dụng các dịch vụ y tế (điều 41), quyền học tập (điều 42), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa (điều 44). Sự khẳng định ấy phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa cũng như với các công ước quốc tế liên quan đến quyền con người mà Việt Nam tham gia hoặc thừa nhận.
Tuy nhiên, các điều kiện thực hiện những quyền ấy chưa được làm rõ trong dự thảo, đặc biệt là điều kiện về sự đánh đổi vật chất để được hưởng các phúc lợi. Nói rõ hơn, dự thảo chưa ghi nhận cam kết của Nhà nước về bảo đảm cung ứng miễn phí hoặc ít nhất là với giá cả chấp nhận được các dịch vụ cần thiết cho một cuộc sống có chất lượng; cũng chưa thấy cam kết của Nhà nước về việc bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân thông qua một chế độ trợ cấp xã hội có chiều rộng và chiều sâu được Nhà nước đỡ đầu.
Trong khi đó, kiến tạo chế độ phúc lợi và an sinh xã hội là một phần trong sứ mạng của một Nhà nước do dân và vì dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, hoàn thiện mạng lưới cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực liên quan, cũng như trong việc bảo đảm sự ổn định của các nguồn lực vật chất cần thiết cho việc duy trì chất lượng của mạng lưới.
Phải làm thế nào để hệ thống chăm sóc công cộng đối với cuộc sống của người dân được tổ chức rộng khắp và dễ tiếp cận, cả về phương diện di chuyển trong không gian, thời gian cũng như về giá cả. Mặt khác, phải bảo đảm chất lượng các dịch vụ được cung ứng, không phải theo tiêu chí tương xứng với sự chi trả của người thụ hưởng mà trước hết với những đòi hỏi của xã hội, của nhà chức trách về thực hiện mục tiêu phát triển con người.
Nếu Nhà nước càng có trong tay nhiều nguồn lực vật chất dồi dào thì càng phải đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển, hoàn thiện hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội. Còn trong điều kiện đất nước còn nghèo, Nhà nước không đủ sức tự mình lo tất cả thì có thể kêu gọi tư nhân cùng chăm lo bằng cách cho phép mở trường tư, bệnh viện tư, thậm chí quỹ bảo hiểm xã hội tư.
Sự tham gia của tư nhân có thể được thực hiện dưới hình thức hoạt động đầu tư phi lợi nhuận hoặc có sinh lợi. Nhà nước, về phần mình, có trách nhiệm tổ chức việc quản lý mạng lưới, đồng thời kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm những vụ vi phạm, đặc biệt là những vụ khai thác mạng lưới cung ứng dịch vụ công để trục lợi cá nhân.
Tất cả những điều đó cần được Nhà nước cam kết thực hiện trong văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Không nên nói chung chung rằng công dân có quyền được hưởng thứ này, thứ nọ mà không chỉ rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền, phó thác việc đó cho các luật và văn bản dưới luật. Hiện chúng ta đang làm theo cách đó.
Hậu quả là dưới sự chi phối của các quy phạm dưới Hiến pháp, người dân phải trải qua những thủ tục nhiêu khê để tiếp cận với hệ thống bảo hiểm xã hội; phải trả chi phí để được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, văn hóa và thậm chí còn phải trả với giá rất đắt so với thu nhập bình quân đầu người hiện tại.
PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN