Thủ đoạn thanh toán khống qua máy POS
Theo Đại tá Trần Văn Doanh, hoạt động của phạm tội ngày càng tinh vi, chia ra thành nhiều công đoạn. Cụ thể, một nhóm người Trung Quốc có nhiệm vụ chuyên móc nối với người Việt đã học tập, công tác, làm ăn biết tiếng Trung Quốc để thỏa thuận về việc thanh toán “khống” hàng hóa, dịch vụ qua máy POS hoặc tìm các đối tượng người Việt Nam có quan hệ quen biết từ trước dưới danh nghĩa đầu tư làm ăn tại Việt Nam để yêu cầu thành lập công ty, ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thẻ với các ngân hàng thương mại việt nam.
Thông tin thẻ thường là thẻ tín dụng được phát hành bởi các ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu được một nhóm hacker ở Trung Quốc lấy cắp từ cơ sở dữ liệu của các trang web bán hàng trực tuyến, các website của trung tâm thương mại lớn ở nước ngoài chuyển qua các mạng xã hội như chat QQ, wechat đến nhóm kỹ thuật ở Việt Nam.
Các đối tượng thường yêu cầu đăng ký sử dụng máy POS không dây để trên xe ô tô hoặc đưa cho đối tượng người Trung Quốc mang sang khu vực chồng lấn sóng viễn thông ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc để thực hiện giao dịch bằng thẻ giả.
Thậm chí, theo Đại tá Trần Văn Doanh, có vụ án đối tượng người Trung Quốc yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ chuẩn bị trước tiền mặt và nhận ngay tiền sau khi giao dịch thành công, không chờ báo “có” hoặc rút tiền từ ngân hàng. Hoặc các đối tượng chuẩn bị sẵn tài khoản để chuyển tiền hoặc chuyển tiền vào các tài khoản của đối tượng đổi tiền tại các “chợ đổi tiền” ở khu vực biên giới để chuyển sang Trung Quốc.
Hiện nay có hiện tượng một số đơn vị chấp nhận thẻ cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc soạn sẵn hợp đồng kinh doanh buôn bán một số mặt hàng: đồ mỹ nghệ, trầm hương... sau đó xuất hóa đơn GTGT như buôn bán bình thường.
Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh khung cửa sắt, cửa kính nhưng vẫn ký hợp đồng đơn vị chấp nhận thẻ của các ngân hàng thương mại, yêu cầu cung cấp POS không dây sau đó chuyển cho nhóm đối tượng người Trung Quốc sử dụng.
Một số đơn vị chấp nhận thẻ tại Hà Nội sau khi ký hợp đồng lắp POS không dây nhưng sau đó đưa cho người quen mượn để thanh toán. Khi có yêu cầu tra soát hoặc khiếu nại không thể xác định được vị trí của POS, sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ gì đặc biệt có ĐVCNT cho người quen trên mạng mượn để thanh toán, sau đó nhận hoa hồng do sử dụng POS hàng trăm triệu đồng.
Rà soát lại các đơn vị sử dụng POS không dây
Để đối phó với các thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm công nghệ cao, C50 (Bộ Công an) đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) kiểm tra, rà soát thanh loại các đơn vị đăng ký sử dụng POS không phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh cần sử dụng POS, các ĐVTTT bị phát hiện cho mượn, đưa cho người khác sử dụng POS để thanh toán mà bị ngân hàng phát hành yêu cầu tra soát, khiếu nại; khuyến nghị các NHTM trang bị POS không dây có tính năng định vị qua GPS và phối hợp với các công ty viễn thông để xác định vị trí khi thực hiện các giao dịch qua POS không dây.
Thứ hai, các NHTM tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hệ thống an ninh tại các máy ATM để sớm phát hiện skimming; nghiên cứu lắp đặt thiết bị camera giám sát ATM phải đảm bảo chất lượng hình ảnh, bố trí ở vị trí thích hợp để xác định được chân dung người rút tiền, lưu trữ hình ảnh theo qui định về thời gian.
Thêm vào đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đối với người sử dụng về ý thức bảo quản thông tin tài khoản ngân hàng, các thủ đoạn hoạt động skimming, giao dịch gian lận qua POS, các giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch thanh toán trực tuyến để khách hàng nâng cao ý thức tự bảo vệ khi đăng ký, tham gia, thực hiện hoạt động thanh toán.
Đại diện Cục C50 cho biết, Bộ Công an sẽ thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trong việc trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử và thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên thế giới và tại Việt Nam.
Nguồn tin: Lao động