Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đưa ra khuyến nghị: Các năm sau El Nino thường có lũ lớn ở ĐBSCL.
Mùa lũ năm 2016 ở Trung Bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2015. Lượng mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ trong (tháng 8, 9 và tháng 12) thấp hơn TBNN, nhưng lại cao hơn TBNN vào các tháng 10 và 11.2016. Mùa lũ năm 2016 trên các sông ở Tây Nguyên xuất hiện muộn hơn so với TBNN.
Đỉnh lũ năm 2016 trên sông Cửu Long vào nửa đầu tháng 10 và ở mức báo động 1, báo động 2, mặc dù cao hơn năm 2015 nhưng lại thấp hơn TBNN. Lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất khả năng xuất hiện trên các sông suối nhỏ và vùng núi, thượng nguồn các lưu vực sông nhiều hơn so với năm trước.
Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng và các đô thị có khả năng xuất hiện. Lũ quét, sạt lở có khả năng xảy ra tương đương năm 2015, đặc biệt ở các khu vực vùng núi phía bắc.
Từ tháng 11-12, mực nước trên các sông suối có xu thế biến đổi chậm và xuống dần. Nguồn dòng chảy thượng lưu các hồ chứa, sông suối có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 10-15%.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, từ nay đến cuối năm có khoảng 3 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta và có nhiều diễn biến phức tạp.
“Chúng tôi mong muốn bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn của chúng tôi luôn được các cấp chính quyền và các cơ quan truyền thông quan tâm khai thác và sử dụng liên tục theo đúng các quy định của Luật Phòng chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những bản tin dự báo gần nhất sẽ là những bản tin sát thực nhất, để người dân và các cấp chính quyền cùng nắm bắt thông tin để chủ động phòng tránh” – ông Lê Thanh Hải bày tỏ.
Nguồn tin: Lao động