Lĩnh vực kinh tế hợp tác: Đang đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao

Thứ năm - 03/07/2014 02:58 1.105 0
Trong những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và đạt được những kết quả bước đầu.

Vào mùa mưa năm 2013, HTX Nam Hà ở huyện Chư Jút đã trồng 2 ha cây gấc theo tiêu chuẩn cung cấp nguồn nguyên liệu sạch để xuất khẩu sang châu Âu. Sau 7 tháng trồng, cây gấc bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt trên 20 tấn/ha.

Sau khi trừ chi phí, với giá bán 6 triệu đồng/tấn thì mỗi ha lời 100 triệu đồng/năm. Sau khi trồng thí điểm thành công, hiện nay, HTX đã liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk Mil và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trồng được 300 ha cây gấc.

HTX đã ký hợp đồng dài hạn với một số công ty ở phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cây giống, nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân và các thành viên. Toàn bộ diện tích gấc được trồng theo tiêu chuẩn cung cấp nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho chế biến thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.

Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nam Hà cho biết: "Vòng đời của cây gấc cho thu hoạch trong vòng 20-30 năm. Nếu trồng ở vùng đất khô thì gấc chỉ thu hoạch được 1 vụ/năm. Nếu nông dân muốn thu hoạch 2 vụ/năm thì vào mùa khô, bà con cần phải tưới thêm nước. Cây gấc chủ yếu cần vốn đầu tư ban đầu, hết khoảng 30-50 triệu đồng/ha và cho năng suất tăng dần, ổn định ở những năm sau, thường từ 18-40 tấn/ha, vào thời kỳ kinh doanh “vàng” cho đến 70 tấn/ha nên với giá cả như hiện nay thì từ năm thứ 2 trở đi, người trồng sẽ thu lời nhiều hơn”.

Cũng theo ông Định, sau khi gấc được thu hoạch, HTX sẽ sơ chế sấy khô sản phẩm và bán lại cho các công ty để xuất khẩu. Trên cơ sở hợp tác với các công ty sản xuất các sản phẩm, hiện tại, HTX đã hợp đồng với nông dân tiếp tục mở rộng diện tích và đến năm 2014 sẽ trồng thêm 1.000 ha.

Đối với các đơn vị khác, thời gian qua, nhiều THT, HTX trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giống cây trồng để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chẳng hạn, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Tia Sáng đã liên kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để  trồng hàng trăm héc ta chanh dây, các loại cây dược liệu sạch và bước đầu đã mang lại những lợi ích thiết thực. Mới đây, sản phẩm chanh dây của HTX này đã được tôn vinh 1 trong số 155 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh. Còn tại HTX Công bằng Thuận An ở huyện Đắk Mil, từ năm 2013, đơn vị này đã bắt tay vào liên kết với các thành viên và nông dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn châu Âu.

HTX Đồng Tiến cũng ở Đắk R’lấp đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn để phát triển chăn nuôi heo giống, heo thịt.

HTX Đồng Tiến chăn nuôi heo theo quy trình khép kín

Có thể nói, kinh tế hợp tác đã và đang phát huy vai trò trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020.

Ông Hà Công Xã, Trưởng Phòng Chính sách-Tuyên truyền, Liên minh HTX tỉnh cho rằng: “Các HTX, THT trên đã có những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình này. Nhiều HTX, THT sản xuất nông nghiệp đã thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và hướng tới mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh và các HTX, THT mong muốn tỉnh tiếp tục có những chính sách phù hợp, ưu tiên giúp sức cho kinh tế hợp tác có thêm nhiều điều kiện để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao”.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay4,655
  • Tháng hiện tại52,153
  • Tổng lượt truy cập41,232,754
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây