Theo đó, cùng với việc thực hiện đồng bộ các chương trình của Chính phủ như 132, 134, 135, 167, 168… địa phương cũng đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào Ê đê ở buôn Trum, xã Tâm Thắng đã đưa máy móc vào thu hoạch lúa để giảm chi phí |
Song song đó, xã còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu những giống cây con mới, các mô hình kinh tế hiệu quả đến đông đảo nhân dân. Các lớp tập huấn, đào tạo nghề không chỉ tập trung ở UBND xã mà còn đưa về tận các thôn, buôn trên địa bàn theo phương thức “cầm tay chỉ việc” nên rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, loại bỏ phương thức canh tác, sản xuất lạc hậu cũng như loại bỏ một số cây trồng năng suất kém…
Nhờ đó, nhận thức của bà con, nhất là ý thức tự vươn lên thoát nghèo được nâng lên rõ rệt. Phần lớn các hộ được vay vốn đều sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, trả vốn, lãi đúng thời hạn. Nhiều hộ gia đình sau khi được vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt đã có cuộc sống khá ổn định.
Điển hình hộ gia đình ông Ma Lê ở buôn Trum, trước đây, do không có kinh nghiệm chăm sóc cây trồng cũng như thiếu vốn đầu tư nên vườn cà phê của gia đình luôn bị sâu bệnh, cho năng suất kém. Năm 2012, được Ngân hàng Chính sách – Xã hội cho vay vốn và tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, ông đã nắm vững các quy trình chăm sóc cây trồng từ cắt tỉa, bón phân, thu hoạch… nên vườn rẫy của ông đã cho năng suất cao.
Riêng năm 2013, tuy chỉ có 1,2 ha cà phê nhưng gia đình ông đã thu hoạch hơn 5 tấn cà phê nhân, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ông Ma Lê vui vẻ nói: “Được sự quan tâm của chính quyền các cấp nên đời sống của tôi cũng như bà con trong buôn đã thay đổi đáng kể. Bản thân mình giờ đã biết kỹ thuật chăm sóc cà phê cho năng suất cao, chi tiêu trong cuộc sống sao cho hợp lý, tiết kiệm”.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tâm Thắng đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, toàn xã chỉ còn 10,09% số hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Điển hình như tại buôn Buôr chỉ còn 9 hộ, chiếm 5,35%; buôn Nui 25 hộ, chiếm 10,68%; buôn Trum 9 hộ, chiếm 11,25%; buôn Ea Pô 23 hộ, chiếm 13,16% tổng số hộ trong buôn.
Bào, ảnh: Mỹ Hằng
Nguồn tin: Báo Đăk Nông