Luật Ngân sách Nhà nước: Nâng cao vai trò của công tác tài chính - ngân sách
Administrator
2013-09-15T08:47:06-04:00
2013-09-15T08:47:06-04:00
https://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/Tin-tuc/Luat-Ngan-sach-Nha-nuoc-Nang-cao-vai-tro-cua-cong-tac-tai-chinh-ngan-sach-5656.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút
https://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) được thông qua ngày 16-12-2002 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Qua 9 năm thực hiện, Luật NSNN đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một trong những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Luật NSNN năm 2002 là việc củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của công tác tài chính - NSNN, góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh cấp bách như thiên tai, dịch bệnh.
Tốc độ thu NSNN hàng năm tăng khá (giai đoạn 2004-2012 bình quân đạt trên 20%/năm và đến năm 2012, thu NSNN tăng đến 4,87 lần so với năm 2003), trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN đã đảm bảo bố trí ưu tiên cho chi đầu tư phát triển với tốc độ tăng bình quân trên 16,2%/năm, chiếm trên 20% tổng mức chi đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 7% GDP; chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dậy nghề đạt 20%, chi lĩnh vực khoa học công nghệ đạt 2%...
Bên cạnh đó, với Luật NSNN, cân đối NSNN tích cực, vững chắc; dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia, dư nợ công ở mức hợp lý; nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Vay bù đắp bội chi NSNN đã bảo đảm được nguyên tắc chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho tiêu dùng. Đến hết ngày 31-12-2012, dư nợ công bằng 55,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP và dư nợ quốc gia bằng 43,7% GDP.
Luật NSNN đã đảm bảo sự chủ động trong quản lý điều hành NSNN. Ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã bố trí sử dụng dự phòng ngân sách và tăng dự trữ tài chính giải quyết tốt các vấn đề đột xuất phát sinh. Luật NSNN cũng tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động thu, chi NSNN. Công tác quản lý và điều hành NSNN ngày càng chủ động hơn, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên; công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, thực hiện công khai ngân sách được đẩy mạnh.
Tuy vậy, việc thực hiện Luật NSNN cũng còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Về hoạt động của NSNN, nguồn thu NSNN từ XK dầu thô và hoạt động XNK vẫn chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất-kinh doanh của nền kinh tế và của các DN nói riêng nhìn chung còn thấp; hiệu quả chi NSNN chưa cao; công tác xã hội hoá tuy có nhiều chuyển biến tích cực, song triển khai thực hiện còn chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, dẫn đến gánh nặng chi NSNN; tình trạng chi tiêu kém hiệu quả, lãng phí chưa được khắc phục.
Về cơ chế quản lý NSNN, hệ thống NSNN hiện nay mang tính lồng ghép dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo, quy trình ngân sách phức tạp. Quy định về phạm vi thu, chi ngân sách chưa rõ ràng, việc quản lý các khoản phí, lệ phí còn chưa thống nhất; cách xác định bội chi NSNN còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp thông lệ quốc tế...
Trước những tồn tại đó có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật NSNN là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ chế, chính sách tài chính.
Theo Báo Hải quan