|
Bà Hương cho biết: Trong năm 2012, các phòng thanh tra thuế thực hiện thanh tra 312 doanh nghiệp (DN) kê khai lỗ liên tục, trong đó có DN giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá. Kết quả, các DN đã giảm lỗ 2.688 tỉ đồng, giảm khấu trừ 27,83 tỉ đồng, truy thu 187,79 tỉ đồng, truy hoàn 2,64 tỉ đồng và bị phạt gần 85 tỉ đồng. Số thuế nộp ngân sách là 275,43 tỉ đồng, trong đó thực hiện ấn định thuế đối với 16 DN.
Hình thức chuyển giá được các DN thực hiện ra sao, thưa bà?
Một số biểu hiện chuyển giá được thể hiện như đối với sản xuất gia công, đặc biệt ngành may mặc da giày của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, giá gia công phụ thuộc vào chủ nước ngoài và thấp hơn chi phí. DN treo lại tiền lương đã trả cho công nhân với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, lớn hơn doanh thu đã kê khai.
Đối với các DN trong lĩnh vực dịch vụ thì xuất hiện chi phí quản lý của phía nước ngoài, chi phí chuyên gia, lãi vay ngân hàng, thương hiệu bản quyền... ở mức rất cao. Một số hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ trong và ngoài nước, chủ yếu với công ty mẹ hoặc DN trong cùng tập đoàn, không cụ thể rõ ràng theo quan hệ mua bán bình thường. Các bên có thể thay đổi nội dung tùy tiện cả khi sắp hết thời gian thực hiện hợp đồng do bên mua bên bán đều là “người một nhà”. Do đó, có những chi phí do phía nước ngoài chịu nhưng DN tại VN vẫn hạch toán vào chi phí như nguyên vật liệu trong hợp đồng gia công, chi phí vận chuyển nước ngoài... Có DN, chủ yếu là các khách sạn, trả chi phí quản lý cho chủ đầu tư nước ngoài quá cao.
|
Không những DN nước ngoài thực hiện việc chuyển giá mà cả các DN trong nước cũng có tình trạng này. DN trong nước xác định giá bán trong nội bộ các công ty có mối liên kết để điều chỉnh kết quả thu nhập của DN không có ưu đãi thuế sang DN có ưu đãi thuế, điều chỉnh kết quả lãi thành lỗ, mua bán lòng vòng trong nội bộ để nâng giá bán hoặc tạo kết quả kinh doanh tốt cho DN lên sàn chứng khoán hoặc phát hành cổ phiếu.
Khi thanh tra, kiểm tra DN có giao dịch liên kết, cán bộ thuế chủ yếu xác định giá sản phẩm trong giao dịch. Để xác định thông tin về giá thị trường của sản phẩm, các cán bộ thuế đã gửi các mẫu sản phẩm, thông số kỹ thuật từng loại sản phẩm cho các hiệp hội để xác định giá thị trường. Trực tiếp tham khảo giá tại các DN trong nước, đối chiếu từ các thông tin của DN có sản phẩm tương đồng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra để đưa ra giá ấn định cho các DN cùng ngành nghề. Cơ quan thuế gửi công văn trực tiếp đến hải quan xác định số lượng xuất nhập khẩu các sản phẩm; lựa chọn một số DN cùng ngành nghề kinh doanh có lãi để xác định tỷ suất lợi nhuận ngành...
Trong năm 2013, Cục Thuế sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chống chuyển giá trong ngành dệt may, da giày và một số DN có dấu hiệu lỗ khác.
Các quy định về chống chuyển giá hiện nay vẫn còn rất mỏng. Cục Thuế có kiến nghị gì để việc chống chuyển giá hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Nhiều DN hiện nay lỗ quá vốn đăng ký nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, nên cơ quan thuế có kiến nghị nghiên cứu sửa luật Doanh nghiệp, trong đó quy định rõ nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp lỗ quá vốn đăng ký. Nhà nước cần ban hành quy định đối với trường hợp có quan hệ kinh doanh liên kết sau một thời gian nhất định không tự điều chỉnh, hoặc không phát sinh thu nhập tính thuế trong thời gian 3 năm từ khi thành lập sẽ phải nộp thuế theo một tỷ lệ nhất định tùy từng ngành nghề lĩnh vực như đối với thuế nhà thầu. Đề nghị không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với DN có quan hệ liên kết, DN không tự điều chỉnh dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ liên tục nhiều năm, số lỗ vượt quá vốn pháp định của DN...
Thanh Xuân (thực hiện)