Mất chân vì tắc mạch chi

Thứ hai - 04/03/2013 08:33 1.048 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Người già đau chân thường hay nghĩ rằng bị cơ xương khớp hay bệnh do tuổi già. Vì thế phần lớn bệnh nhân được trị khá chậm trễ dẫn đến phải cắt cụt chân

Tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực Bệnh viện (BV) Việt Đức, hiện đang có gần 10 bệnh nhân điều trị bệnh tắc mạch chi dưới, trong đó ít nhất 5 trường hợp đã cắt bỏ chân hoặc có chỉ định phải tháo bỏ bàn chân.

Cắt cụt chân vì đắp lá

Ông Lê Quang Q., 80 tuổi, ở Ninh Bình, chỉ tình cờ phát hiện được bệnh khi bị những cơn đau bụng hành hạ sau Tết vừa qua. Theo con trai ông Q., cách đây hơn 1 năm, ông bị đau đầu gối chân trái, cứ nghĩ là bệnh xương khớp của tuổi già nên tìm đến một thầy lang mua  lá thuốc về đắp. Thế nhưng sau đó, 2 đầu gối và các khớp chân trái đau nhức nhối, tê buốt khiến ông rất khó khăn khi vận động. Lại tìm đến thầy lang gần nhà, ông được cho thuốc điều trị bệnh gút. Cách đây 2 tuần, ông bị đau bụng nên được đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, các bác sĩ nghi ngờ ông bị tắc mạch chi nên đã chuyển tiếp đến BV Việt Đức. Ông Q. nhập viện trong tình trạng chân trái đau dữ dội, riêng bàn chân trái tím đen, hoại tử, buộc phải cắt bỏ.

Một bệnh nhân đang điều trị bệnh tắc mạch chi

Bệnh nhân Trần Thị Ch., 73 tuổi, ở Hà Tĩnh, sau hơn 2 năm nay phải chung sống với chân trái không lành lặn, mới đây, bà lại tiếp tục phải nhập viện với chẩn đoán tắc mạch chi. Nhiều khả năng bà phải cưa nốt bàn chân còn lại vì các ngón chân hiện đã tím đen và có dấu hiệu hoại tử.

Tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, bệnh nhân Lê Văn T., quê Thanh Hóa, là bệnh nhân trẻ tuổi nhất, mới 38 tuổi nhưng đã có  2 năm bị tắc mạch chi. Được phẫu thuật kịp thời nên anh đã giữ được đôi chân nhưng cách đây 3 tuần, cả 2 chân có dấu hiện sưng đau, tím đỏ, phồng to như chân voi. “Biết bệnh của mình nên không dám chủ quan, chỉ mong các bác sĩ cứu được đôi chân cho tôi” - anh T. buồn bã nói.

90% bệnh nhân điều trị muộn

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Thắng, Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (BV Việt Đức), viêm tắc mạch chi là tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Có tới 90% bệnh nhân bị tắc mạch chi tại BV Việt Đức nhập viện khi bệnh ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân xuất hiện các rối loạn trên da, cơ thể mệt mỏi vì đau đớn, kể cả khi đã dùng thuốc giảm đau, các ngón chân, bàn chân tím đen, hoại tử… Hầu hết những trường hợp này phải tháo bỏ các ngón chân hoặc cắt cụt chân. Đáng nói là có khá nhiều bệnh nhân trước khi đến BV đã tự điều trị bằng cách đắp thuốc lá, chườm nóng…

PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, lưu ý ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi xuất hiện các cơn đau mỏi và co cứng bắp chân, đùi hoặc mông khi đi lại. Đôi khi đau như chuột rút, cảm giác bị kìm kẹp vào khiến bước đi nặng như chì nhưng chỉ sau vài phút nghỉ ngơi, các dấu hiệu này biến mất. Hiện tượng đau thường xuất hiện ở bắp chân, đùi, háng, mông, thậm chí có những trường hợp chỉ cảm thấy đau khi gắng sức đi ở đường mấp mô, leo cầu thang.
 
“Ở giai đoạn sớm, dấu hiệu đau chân khi đi lại thường dễ bị bỏ qua do nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi, bệnh gút hoặc bệnh do tuổi già. Tùy từng trường hợp mà bệnh có sự tiến triển khác nhau nhưng phần lớn đau nặng lên theo thời gian. Có trường hợp bệnh chỉ một vài tháng có dấu hiệu đau thì ngay cả những việc đơn giản thường ngày như thay quần áo, lên giường nằm cũng là quá sức đối với họ” - TS Ước cảnh báo.

Bệnh có xu hướng trẻ hóa

Bác sĩ Nguyễn Duy Thắng cho hay tắc mạch chi thường gặp ở người lớn tuổi, có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, hút thuốc lá nhiều… Tuy nhiên, cũng nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này, đặc biệt ở những nhóm người nghiện thuốc lá hoặc có chế độ ăn nhiều mỡ. Hoàn toàn có thể phát hiện bệnh thông qua việc thăm khám lâm sàng, chụp mạch, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm. Việc điều trị cơ bản là mở thông động mạch bị tắc bằng phương pháp nong chi dưới qua da bằng ống thông (can thiệp mạch). Khi đó, dòng máu phục hồi, các triệu chứng đau sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử có cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên, phần hoại tử nặng do điều trị muộn không thể hồi phục bắt buộc phải cắt bỏ.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Hôm nay3,017
  • Tháng hiện tại45,731
  • Tổng lượt truy cập41,426,060
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây