Gõ vào Google từ khóa "tuyển nhân viên nhặt bóng tennis", có tới gần 300 nghìn kết quả cho tìm kiếm này chỉ sau 0,27s. Nội dung các thông tin quảng cáo này chủ yếu được đăng trên các trang rao vặt như: vatgia, mua bán, rongbay, 123…
"Tuyển nhân viên nhặt bóng tennis trong các khu vui chơi giải trí lớn. thời gian làm việc 2h/ca. Lương 160.000đ/ca + thưởng. Nhân viên được phép chọn ca và làm 1 ngày nhiều ca, nhận lương ngay sau ca làm việc, ưu tiên sinh viên làm thêm, đi làm ngay. Liên hệ anh H số điện thoại 0929xxxxx". đây chỉ là một trong số hàng nghìn rao vặt về một công việc có thể coi là rất "hot" khi bộ môn tennis ngày càng nở rộ ở Hà Nội.
đánh vào tâm lý nóng vội muốn đi làm ngay, hấp dẫn bởi mức lương cao của sinh viên nên các trang web này thưọng đăng tải những nội dung tuyển dụng hết sức có cánh. Yêu cầu tuyển dụng lại rất dễ dàng khiến không ít sinh viên nhẹ dạ "cắn câu" một cách dễ dàng.
Với khung thời gian làm việc ít, thoải mái, áp lực công việc lại không nhiều, song lại nhận được mức lương cao (theo các trang rao vặt giới thiệu mức lương nhặt bóng tennis dao động từ 100 - 160 nghìn đồng/ca)… nên ngay khi đọc xong những dòng quảng cáo này, nhiều sinh viên vội vàng tìm đến các địa chỉ được quảng cáo trên mạng để liên hệ tìm việc.
Một trong những trang rao vặt đăng tải những thông tin tuyển dụng nhân viên nhặt bóng tennis với những lời có cánh. |
Phạm Việt Hưng (đH Công nghệ GTVT - Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Lân la trên các trang mạng tìm kiếm việc làm, rồi bị hấp dẫn bởi những câu quảng cáo có cánh từ các trang rao vặt, vội vàng tìm đến nơi quảng cáo về công việc nhặt bóng tennis nhàn hạ nhưng lương cao nên Hưng và nhóm bạn đã bị một quả lừa "đắng họng".
Nhớ lại sự ngô nghê của mình Hưng lắc đầu chia sẻ: đúng là sinh viên, nhiều lúc ngô nghê thật. Làm gì có công việc phổ thông nào nhàn hạ mà lương cao. Toàn có lừa nhau thôi. Dạo trước rảnh rỗi, ở nhà mãi cũng chán nên khi lân la trên mạng thấy họ đăng tuyển nhân viên nhặt bóng tennis, thấy cũng hấp dẫn nên mình rủ thêm 2 bạn cùng lớp đến xem thế nào. Sau vài câu trao đổi ngắn gọn, cả bọn được nhận ngay. Mỗi người nộp 300 nghìn đồng cho "chị trưởng phòng", rồi về đợi 2 ngày để chị ta "sắp xếp việc làm". Ai ngọ 2 ngày, rồi cả tuần đợi chọ nhưng điện thoại vẫn im lìm, thế mới biết mình bị lừa. Nghĩ cũng thấy dại"
Cùng chung số phận như Hưng, bạn Nguyễn Thị Nhàn (đại học Thương Mại - Hà Nội) và mấy người bạn cùng phòng cũng ăn ngay quả lừa, khi vội vã tìm đến các địa chỉ rao vặt trên các trang mạng mà không tìm hiểu kỹ càng về nó. Nhàn cho biết: Việc học của bọn em cũng nhàn nên cũng muốn tìm một công việc part time làm cho đỡ buồn. Vừa lấy thêm kinh nghiệm vừa kiếm thêm chút tiền trang trải học hành. Ai ngọ lại bị lừa, việc thì không được mà còn bị mất tiền oan. Nghĩ mà thấy tiếc. Tiền thì chưa kiếm được mà cả phòng (3 người) còn bị mất oan mỗi đứa 250 nghìn đồng tiền đặt cọc.
Làm thêm là việc tốt với sinh viên, vừa có thêm thu nhập vừa tích lũy được kinh nghiệm. Song để tìm được một công việc hợp lý thì chớ nên hấp tấp, vội vàng. Thay vì việc lân la tìm kiếm việc làm ở các trang rao vặt chúng ta nên tìm đến các TTGTVL uy tín, các trang web được mọi người tín nhiệm. Có thể mới hạn chế "đất diễn" của những kẻ lừa đảo.
Phạm Lâm
Nguồn tin: Lao động