Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết công ty vừa được vay vốn lãi suất thấp 8%/năm trong vòng 6 tháng để thu mua tạm trữ trứng gia cầm hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Đây là vốn tín dụng Công ty Ba Huân được vay ưu đãi từ chương trình kết nối ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) do UBND TP HCM khởi xướng.
Ngân hàng không còn “bí ẩn”
Theo ông Hùng, số lượng gia cầm bị dịch so với tổng đàn trên cả nước chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng người tiêu dùng lo ngại không dám mua khiến sản phẩm gia cầm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Nếu không có chính sách kịp thời về thu mua tạm trữ sẽ gây tác động dây chuyền… “Dù số tiền cho vay hỗ trợ không nhiều nhưng chính sách kết nối DN vay vốn NH lãi suất thấp để thu mua dự trữ góp phần ổn định thị trường, giảm tổn thất cho người nuôi, còn người tiêu dùng cũng an tâm hơn” - ông Hùng nói.
Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cũng vừa được NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cấp hạn mức tín dụng 100 tỉ đồng, lãi suất 7,5%/năm thông qua chương trình kết nối. Đây là nguồn vốn vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho công ty. Đại diện NutiFood cho biết việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ DN rất nhiều trong việc tham gia bình ổn giá sữa. Giữa năm 2013, NutiFood đã khởi công xây nhà máy sản xuất sữa bột với công suất 50.000 tấn/năm, giúp đáp ứng nhu cầu thị trường trong vòng 5 năm tới. “Đây là chủ trương rất tốt của UBND TP HCM giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NH với lãi suất hợp lý và giảm áp lực về vốn trong giai đoạn hiện nay” - đại diện NutiFood nhận xét.
Trong khi đó, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, đánh giá chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP năm 2013 đã có bước ngoặt lớn khi hệ thống NH thương mại tham gia cho DN vay vốn lãi suất thấp. Các DN bình ổn trước đây vay 0% lãi suất từ ngân sách TP tương ứng 15% tổng vốn lưu động và yêu cầu phải bình ổn nhiều loại sản phẩm với giá thấp hơn thị trường từ 5%-10%. Nay, qua hoạt động kết nối, DN bình ổn được vay vốn với hạn mức cao hơn, lãi suất chỉ 6%/năm. Với khoản tín dụng ngoài hạn mức, lãi suất cũng không quá cao do nhiều NH cạnh tranh giúp tổng chi phí vay vốn không tăng nhiều. “Quan trọng là NH và DN đã “gặp nhau”, cái nhìn của NH khác trước và cộng đồng DN cũng thấy môi trường cho vay được cải thiện” - ông Mười nói.
Phó Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), ông Phạm Linh, cho biết đây là một chương trình thiết thực mà OCB tham gia ngay từ đợt kết nối đầu tiên. “Chương trình này giúp DN hiểu NH thương mại cũng nỗ lực tìm kiếm khách hàng chứ không phải “hộp đen bí ẩn” chỉ ngồi chờ DN đến xin vay” - ông Phạm Linh nói.
Ký kết thật và làm thật
Nói về ý tưởng ban đầu của chương trình, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết từ năm 2011, tình hình kinh tế trong nước biến động, lạm phát tăng cao. Các vấn đề về vốn, hàng tồn kho, lãi suất, chi phí đầu vào… trở thành thách thức đối với DN vừa và nhỏ. Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2012 rất chậm, 6 tháng đầu năm còn tăng trưởng âm, DN không tiếp cận được vốn vay. Trước tình hình này, Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước và UBND TP HCM chỉ đạo phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn, yêu cầu NH Nhà nước chi nhánh các tỉnh, TP chủ động tìm hướng gỡ nút thắt tín dụng. “Ban đầu, chúng tôi chủ động kết nối với các quận, huyện trên địa bàn TP như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, kêu gọi một số NH thương mại tham gia ký kết cấp vốn tín dụng trực tiếp cho DN nhằm tạo hiệu ứng, sức lan tỏa. Đến nay, cả 24 quận - huyện, sở công thương, hiệp hội DN đều vào cuộc hỗ trợ quá trình kết nối giữa NH với DN” - ông Minh cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đánh giá đây là mô hình kết nối trực tiếp NH với DN dưới hình thức chương trình “Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi” hiện chỉ có tại TP HCM. Các tỉnh, thành khác mới dừng lại ở đối thoại DN. Chương trình này là ký kết thật và làm thật, các khoản vay tại lễ ký kết phải được giải ngân theo đúng cam kết, trừ khi khách hàng dùng vốn sai mục đích hoặc không còn nhu cầu vay. Dù quy mô và số lượng DN được hỗ trợ qua chương trình còn khiêm tốn so với số lượng DN trên địa bàn nhưng đã mang lại hiệu quả lớn cho DN, hoạt động sản xuất kinh doanh của TP, đồng thời góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn về vốn, chi phí lãi vay cho DN…
Sức lan tỏa lớn
Chỉ đạo về chương trình này trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu tập trung phát triển tín dụng đối với các lĩnh vực trọng tâm: công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực, hiện đại hóa công nghệ và phát triển bền vững...
Tính đến cuối năm 2013, UBND TP HCM đã làm cầu nối, tổ chức 28 đợt ký kết trên tất cả 24 quận - huyện với 152 lượt NH thương mại tham gia. Có 654 khách hàng là DN, hộ gia đình, hợp tác xã được vay vốn thông qua cho vay mới, điều chỉnh giảm lãi suất, nâng hạn mức tín dụng... hơn 13.704 tỉ đồng. Lãi suất tối đa không quá 9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9%-12%/năm trung dài hạn.
Từ sự thành công này, Chính phủ đã quyết định nhân rộng mô hình kết nối NH và DN do TP HCM khởi xướng ra cả nước, trước hết là ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Nguồn tin: NLĐ Online