Trung Quốc (TQ) và 2 miền Triều Tiên tranh giành ngọn núi lửa Baekdu (hay Paekdu, nghĩa là Bạch Đầu Sơn - người TQ thường gọi Trường Bạch) trên biên giới giữa CHDCND Triều Tiên và TQ. Đây là khu vực thiêng liêng đối với nhiều người dân bán đảo Triều Tiên.
Hai nước đã đồng ý phân chia vùng đất xung quanh Bạch Đầu Sơn vào năm 1962 (có tài liệu nói năm 1963) và gần đây đã chia sẻ quyền quản trị đối với ngọn núi này cũng như hồ nước bao quanh.
Khuấy động tranh chấp
Bạch Đầu Sơn - khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên như gỗ, than đá và có nhiều loại sâm - là nguồn gốc gây ra tranh chấp giữa TQ và 2 miền Triều Tiên. Theo báo The Diplomat, tài liệu lịch sử cho thấy Baekdu là địa điểm thành lập Gojoseon, vương quốc đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên.
Khu vực này cũng rất quan trọng đối với lịch sử hiện đại của Triều Tiên vì Bình Nhưỡng vốn ca ngợi đây là nơi cố lãnh đạo Kim Jong-il sinh ra. Baekdu còn gắn liền với phong trào kháng chiến chống phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai.
Thỏa thuận năm 1962/1963 nêu trên - được ký kết lúc xảy ra cuộc tranh chấp Trung - Xô khi cả Bắc Kinh và Moscow đều tranh thủ sự ủng hộ của Bình Nhưỡng - không đặt dấu chấm hết cho vấn đề này vì đã không phân định đường biên giới một cách trọn vẹn. Hậu quả là các bên tiếp tục tranh chấp.
VĐV Hàn Quốc giơ cao khẩu hiệu “Ngọn núi Baekdu thuộc về Hàn Quốc” tại Á vận hội mùa đông 2007
Ảnh: Chosun
Những năm qua, Bắc Kinh đã nhanh chóng phát triển khu vực quanh ngọn Trường Bạch thuộc tỉnh Cát Lâm. Các kế hoạch xây dựng bao gồm cả việc phát triển kinh tế và hạ tầng, trong đó có sân bay, khu trượt tuyết và đường ray núi Trường Bạch. Tuyến đường ray này đóng vai trò then chốt trong việc nối vườn cấm thiên nhiên lớn nhất TQ với TP Trường Xuân và quảng bá du lịch nội địa cũng như quốc tế.
Tất cả động thái nêu trên của TQ được đánh giá nhằm mục đích tăng cường sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực này. Toan tính biến Bạch Đầu Sơn thành một điểm du lịch lớn có thể đẩy tình hình căng thẳng giữa TQ và Hàn Quốc tăng lên hơn nữa.
Năm 2006, TQ ra lệnh hàng chục khách sạn, trong đó có 4 khách sạn của người Hàn Quốc, ở khu vực Bạch Đầu Sơn phải ngưng kinh doanh và rời khỏi đây, như một phần của sự chuẩn bị để ngọn núi này trở thành di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO.
TQ lại khuấy động cuộc tranh chấp vào năm 2008 khi đệ đơn lên UNESCO xin cứu xét đây là địa điểm di sản thế giới. Cùng thời gian đó, đã có một số thông tin tiết lộ rằng Bắc Kinh còn xem xét tham gia cuộc chạy đua đăng cai Olympic mùa đông 2018 tại địa điểm tranh chấp.
Những hành động của phía TQ như lễ đốt đuốc cho Á vận hội mùa đông 2007 trên đỉnh Bạch Đầu Sơn, đặt tên Trường Bạch cho một số ngôi trường và các hoạt động quân sự trong khu vực càng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa TQ và 2 miền Triều Tiên.
Bài hát chính thức tại Á vận hội mùa đông 2007 bao gồm cả lời ca tụng ngọn Trường Bạch. Hơn nữa, phòng báo chí của đại hội thể thao này còn cung cấp tài liệu về núi Trường Bạch.
Trước đó, năm 2005, chính quyền tỉnh Cát Lâm đã thành lập Ủy ban Bảo vệ, Phát triển và Quản trị Trường Bạch - cơ quan chịu trách nhiệm quản trị ngọn núi tranh chấp. Ủy ban này hướng dòng tiền đầu tư trong nước và cả nước ngoài vào việc xây dựng một số khu resort mới trong phạm vi Trường Bạch.
Không dễ nuốt trôi
Hàn Quốc cũng khẳng định chủ quyền đối với Bạch Đầu Sơn và liên tục khăng khăng yêu cầu TQ kiềm chế việc khai thác khu vực này cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi đây. Tại Á vận hội mùa đông năm 2007 ở TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, 5 VĐV trượt băng Hàn Quốc đã giơ cao khẩu hiệu “Ngọn núi Baekdu thuộc về Hàn Quốc” sau khi đoạt huy chương bạc.
TQ không muốn thương lượng về chủ quyền khu vực Trường Bạch và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo hướng này. TQ đang lợi dụng hiện trạng trên biên giới với Triều Tiên vì Bắc Kinh hiểu rằng Bình Nhưỡng ít có khả năng ngăn cản bước tiến của họ. Tuy nhiên, đối với TQ, việc theo đuổi chính sách này sẽ ngày càng khó khăn khi chủ nghĩa dân tộc ở Hàn Quốc về tranh chấp lãnh thổ đang gia tăng.
Hơn nữa, dư luận toàn cầu còn hướng sự chú ý đến cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông mà TQ luôn là một bên liên quan. Nhiều chuyên gia nhận định rằng các nước trong khu vực sẽ tiếp tục chỉ rõ những cuộc tranh chấp lãnh thổ của TQ và cách giải quyết ngang ngược của nước này là chứng cứ cho thấy Bắc Kinh không hề yêu chuộng hòa bình như họ thường lớn tiếng rêu rao.
Đối với TQ, Trường Bạch có giá trị về kinh tế và chiến lược ở một khu vực biên giới có tiềm năng thay đổi. Trang chủ website của Sở Thương mại Cát Lâm nêu rõ: “Ngọn Trường Bạch là biểu tượng và niềm tự hào của Cát Lâm”.
Trong khi đó, với người dân 2 miền Triều Tiên, Baekdu có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa sâu sắc. Ngày 8-6-2007, Kim Kwang il - một người TQ gốc Triều Tiên thế hệ thứ ba đã rời khỏi khu tự trị Yanbian tìm việc làm ở Nam Phi - nhận xét: “Đối với chúng tôi, đây là một ngọn núi thánh thiêng. Việc TQ khẳng định chủ quyền đối với Baekdu liên quan đến thực tế Triều Tiên thiếu sức mạnh tại các diễn đàn quốc tế. Vì thế, 2 miền Triều Tiên nên tái thống nhất để trở thành một đất nước mạnh hơn”.
Chính quyền TQ lo ngại rằng 2 miền Triều Tiên có thể sẽ thống nhất trong tương lai và hiện nay, khu vực xung quanh Bạch Đầu Sơn, nơi có một số lượng lớn người tị nạn Triều Tiên sinh sống, là nơi tiềm tàng các cuộc tranh chấp lãnh thổ biên giới. Thêm vào đó, các hoạt động của người Hàn Quốc nhằm thành lập một nước Đại Hàn, bao gồm cả khu tự trị Yanbian thuộc tỉnh Cát Lâm, càng khiến TQ quan ngại hơn.
Chặn đường Bắc Kinh
Triều Tiên vẫn duy trì đường biên giới với Nga dài 17 km dọc theo dòng sông Tumen. Ngoài ra, phần đất nhỏ của Triều Tiên chạy dọc biên giới Nga - Trung đã chặn đường Bắc Kinh tiếp cận biển Nhật Bản. Moscow và Bình Nhưỡng cũng đã giải quyết các vấn đề biên giới của 2 nước và nhất trí đi đến một hiệp ước quản lý biên giới một cách toàn diện vào tháng 7-2012. Điều này đặc biệt quan trọng khi 2 bên tiếp tục khảo sát lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên từ Siberia xuyên qua bán đảo Triều Tiên.
Nguồn tin: NLĐ Online