|
Sau khi đăng loạt bài Thế giới ngầm trên sàn đấu giá, Báo Thanh Niên đã nhận nhiều phản ánh của bạn đọc về việc có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận xe gắn máy bán đấu giá. Từ đầu mối này, PV đã vào cuộc, điều tra đường đi của xe gắn máy bán đấu giá theo dạng bán phế liệu, không giải quyết đăng ký.
|
Hủy tượng trưng...
Ngày 17.4, cơ quan chức năng của UBND Q.2 tổ chức bán đấu giá hàng trăm xe gắn máy, xe ba gác máy… thanh lý bán phế liệu. Kết quả, cơ sở K.A trúng đấu giá mua được lô hàng này. Tuy nhiên, theo dõi quá trình giao nhận hàng tại kho tang vật nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), PV Thanh Niên đã ghi nhận nhiều dấu hiệu mờ ám.
Khoảng 14 giờ ngày 25.4, có khoảng 5 người đàn ông mang bình gió đá, máy cắt sắt đến kho chứa xe gắn máy thanh lý nói trên, hì hục cưa, cắt... Theo quan sát của chúng tôi, những người này chỉ chọn xe ba gác bị hư hỏng nặng, gỉ sét không thể sửa chữa được; cắt thành từng thanh sắt, xếp vào một góc riêng. Cắt được 7 - 8 chiếc tượng trưng, nhóm người này ngưng lại, chuyển qua di dời xe gắn máy còn nguyên chiếc ra gần cổng kho.
|
Đến 14 giờ 40 cùng ngày, thêm một chiếc xe tải gắn cần cẩu (BKS 51C-266…) được điều đến kho khẩn trương cẩu số sắt vừa cắt ra từ xe ba gác máy và cả xe ba gác máy còn nguyên chiếc đưa lên xe và rời khỏi kho…
Xe cẩu vừa đi, thì một chiếc xe 2 tầng chuyên dùng chở xe gắn máy (BKS 54U-36…) được phủ bạt khá kín, đợi sẵn gần đó lùi vào kho lên hàng. Từng chiếc xe gắn máy còn nguyên chiếc mang các nhãn hiệu như Honda Wave, Honda Dream, Honda Cub… khẩn trương được đưa lên xe. Gần 1 giờ sau, sau khi tiếp nhận cả trăm xe gắn máy các loại đã được sắp xếp gọn gàng, chiếc xe 2 tầng rời khỏi kho mà không hề có sự giám sát của bất cứ đại diện cơ quan chức năng nào. Tài xế lái xe chạy ra đường Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội với tốc độ khá cao và mất hút giữa đám đông…
|
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM, xác nhận: “Ngày 17.4, trung tâm có ký hợp đồng với Q.2 tổ chức bán đấu giá 3 lô tài sản, gồm 212 xe gắn máy 2 bánh các loại, 1 ô tô, 20 xe ba gác, 10 xe ba gác máy tự chế, 5 xe ba gác máy Trung Quốc và 3 dầm thép cầu. Phương tiện bán đấu giá trong đợt này theo hình thức bán phế liệu, không giải quyết đăng ký. Theo quy định, khách hàng trúng đấu giá tự chịu chi phí cắt rời toàn bộ khung của các xe trên thành sắt phế liệu và hủy bỏ số khung, số máy theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng trước khi xuất kho. Quy trình này diễn ra dưới sự giám sát của các ngành liên quan, có biên bản hủy bỏ số khung, số máy và cắt rời khung xe thành sắt phế liệu”.
|
Lỗ hổng cho xe gian trà trộn ?
Qua điều tra, chúng tôi được một bạn đọc cung cấp thông tin cơ sở K.A trúng thầu nhưng sau đó đã bán lại cho ông “trùm” mua xe thanh lý tên Kh. (ngụ H.Củ Chi). Tiếng tăm của ông Kh. trong giới đấu giá mua xe gắn máy thanh lý và kể cả đám “chân gỗ” (chuyên làm hồ sơ tham gia đấu giá) ở TP.HCM, đều biết đến.
Trưa 27.4, trong vai khách hàng cần mua phụ tùng, xe gắn máy, chúng tôi đã tìm đến cửa hàng của ông Kh. ở H.Củ Chi. Tại đây, chúng tôi nhận ra chiếc xe tải màu xanh (BKS 66C-001.16), bên hông xe có chữ Tr. - Kh.), là một trong những chiếc xe tải mà chúng tôi ghi hình được lúc nhận hàng ở Q.2. Diện tích của cửa hàng này rộng khoảng 1.000 m2, chia làm 2 khu. Khu lớn nhất làm bãi chứa cả trăm xe gắn máy cũ nhưng còn nguyên chiếc. Phần đất nhỏ còn lại vừa làm nơi rã phụ tùng xe gắn máy vừa là cửa hàng bán phụ tùng xe gắn máy cũ. Có vô số phụ tùng xe gắn máy của các loại xe, đời khác nhau được treo móc từ trên trần nhà xuống dưới đất. Phía sau khu vực này, chủ cửa hàng trưng bày hàng chục chiếc xe gắn máy cũ còn nguyên chiếc để cho khách hàng lựa chọn.
|
Chúng tôi tỏ ý định muốn mua xe máy hiệu Citi và 1 sườn xe Citi về lắp ráp thành xe gắn máy chở hàng, một nhân viên cửa hàng nói: “Máy xe Citi giá từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc và sườn giá 500.000 đồng. Còn sườn xe của Trung Quốc sản xuất bán giá 300.000 đồng/cái; sườn của Nhật từ 700.000 đồng - 1 triệu đồng/cái. Anh mua máy Citi, sườn xe Citi mang về lắp ráp chở hàng bền lắm”. Chúng tôi quay ra quầy tính tiền gặp bà chủ để “kiểm chứng” giá cả, bà này dứt giá: “Máy Citi giá 2,5 triệu đồng, sườn 500.000 đồng. Không bớt”.
Việc bán nguyên lốc máy, sườn… mang về lắp ráp thành chiếc xe gắn máy, chẳng khác nào như "râu ông nọ cắm cằm bà kia", chắc chắn sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc sử dụng phương tiện này đi gây án.
Với số lượng “khủng” phụ tùng xe gắn máy trưng bày và cách thức mua bán phụ tùng xe gắn máy cũ kiểu này, nếu xe gian vào đây và bị rã bán phụ tùng thì cơ quan chức năng cũng khó mà phát hiện. Trong khi đó, thực tế mỗi năm trên địa bàn thành phố có hàng ngàn xe gắn máy bị trộm cắp…(Còn tiếp)
“Nếu bị bắt bỏ luôn” Bước ra khỏi cửa hàng, chúng tôi bắt chuyện với một người đàn ông tự xưng tên là Th. (ngụ Tây Ninh, xuống đây mua phụ tùng xe gắn máy về bán) và người này tiết lộ: “Người lạ vào đây mua xe nguyên chiếc chắc chủ cửa hàng không dám bán đâu. Nghe đâu trước đó, chủ cửa hàng bị kiểm tra mấy lần nên sợ. Người quen, biết nhà cửa mới dám bán, nếu bị bắt bỏ luôn; chứ bán cho người lạ lỡ bị bắt khai ra là chết. Nhưng nếu cần thì gọi cho tôi mua giùm cho...”. |
Cắt phế liệu thì khung đâu mà bán ? Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo của công an quận khẳng định: việc mua bán này là trái phép. Quy định trước khi chủ hàng lấy xe ra khỏi kho phải cắt rời toàn bộ khung thành sắt phế liệu thì khung đâu mà bán; việc để nguyên máy bán cần phải xem lại. Theo tôi được biết, các xe được thanh lý bán dạng phế liệu là xe không nhãn hiệu, xe không cùng thông số kỹ thuật, xe lắp ráp, xe có số khung số máy bị mài mất số, bị đục lại hoặc bị mài nhưng không xác định được số nguyên thủy, bị mục sét không thấy số... bị tịch thu từ việc phát hiện xử lý hành chính, hình sự. Các phương tiện này bán thanh lý nên không cho đăng ký lại. |
Đàm Huy - Đức Tiến
Nguồn tin: Thanhnien