Tự mâu thuẫn
Đánh giá về lập luận của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, người tham dự diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á, cho hay, trong phiên họp toàn thể thứ 4 với chủ đề "Những thách thức trong giải quyết xung đột", Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc, đưa ra một tấm bản đồ cổ được cho là vẽ từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, trong đó mô tả toàn bộ Biển Đông thuộc quyền quản lý của vương triều Trung Hoa thời đó. Trung Quốc lý giải rằng họ là người đầu tiên phát hiện ra Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) và vẽ bản đồ.
Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ảnh: VnExpress |
Ông Tôn cũng ngang nhiên tuyên bố rằng từ đó tới nay nước này đã đưa quân, dân ra quản lý hai quần đảo. Lập luận sai trái của Trung Quốc lập tức gặp phải phản ứng mạnh từ các đoàn tham gia Đối thoại Shangri-La.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika đặt câu hỏi, thời xưa, rất nhiều nước vẽ bản đồ. Nếu theo bản đồ cổ, thì nhiều nước trong khối ASEAN, một phần Ấn Độ, một nửa các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ đều thuộc quản lý của vương triều Trung Hoa, vậy hiện nay Trung Quốc có đòi chủ quyền với những lãnh thổ đó? Rồi thế kỷ 19, bản đồ Vương quốc Anh vẽ địa giới tới gần nửa thế giới, có một phần Trung Quốc ngày nay, ông Tôn suy nghĩ gì về bản đồ này?
Ông Tôn Kiến Quốc đáp Trung Quốc "tôn trọng bản đồ do nước Anh vẽ hiện nay". Điều này cho thấy Trung Quốc đã lúng túng, tự mâu thuẫn chính mình.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao Việt Nam không phản đối hành động Trung Quốc phát hành tờ rơi với nội dung sai trái cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của nước này ngay tại Đối thoại Shangri-La, tướng Trung giải thích: "Khi Đối thoại Shangri-La đang diễn ra, Trung Quốc đã phát tờ rơi khẳng định "đường lưỡi bò" trên Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, do những người phát tờ rơi mặc quần áo dân sự và không rõ là ai nên Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không nêu điều này lúc phát biểu. Trung Quốc biết Việt Nam và các nước sẽ phản đối gay gắt nên đã tính toán để tuyên truyền theo cách phi chính thức.
Khi ông Tôn Kiến Quốc vừa kết thúc phần phát biểu, gần như phái đoàn của các nước tham gia đều đặt câu hỏi. Khi được hỏi Trung Quốc làm thế nào chứng minh Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này, ông Tôn không giải thích mà chỉ nói "Hoàng Sa là của Trung Quốc, không bàn cãi".
Đáng chú ý, theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, khi bị hỏi về cơ sở pháp lý của "đường lưỡi bò", đại diện Trung Quốc đã phải thừa nhận "đường lưỡi bò" cũng đang gây nhiều tranh luận quyết liệt trong nội bộ Trung Quốc".
"Cả hội trường khi đó cười ồ lên bởi nội bộ chưa thống nhất Trung Quốc mà đã đem ra công bố để khẳng định chủ quyền.
Tiếp theo, cử tọa hỏi "đường lưỡi bò" khẳng định điều gì? Nữ thiếu tướng Diêu Vân Trúc nói đây là "vùng cảnh báo quân sự". Cử tọa tiếp tục đặt câu hỏi Trung Quốc định nghĩa thế nào về thuật ngữ "vùng cảnh báo quân sự" bởi trên thế giới chưa có, bà Diêu đã không trả lời được.
Dài dòng mãi được 1 câu đúng
Theo quy định, mỗi đoàn chỉ có 5-10 phút để phát biểu. Đoàn Trung Quốc phát biểu cuối cùng, và chiếm thời gian tận tới 35 phút. Tôi cho rằng họ đã có tính toán từ trước, phát biểu cuối và rất dài dòng để tránh bị chất vấn. Đoàn Trung Quốc nói lâu tới mức chủ tọa nhiều lần phải nhắc nhở việc kéo dài thời gian. Nhìn chung năm nào Trung Quốc cũng phát biểu vòng vo, kể lể những điều họ đã làm trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc", tướng Trung kể lại.
Đánh giá về thể hiện của đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La năm nay, VTC dẫn lời Thiếu tướng Võ Tiến Trung nhìn nhận: "Đại diện đoàn Trung Quốc, ngoài những tuyên bố phi lý về chủ quyền ở Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc có một câu nói tôi thấy đúng và nếu Bắc Kinh thực hiện được điều đó thì sẽ đem lại lợi ích lớn cho khu vực.
Cuối bài phát biểu của mình, ông Tôn nói: “Tôi là người lính, tôi được dạy để chiến thắng. Nhưng đến đây với cương vị là đại diện của Trung Quốc, trước tình hình thế giới hiện nay, tôi thấy rằng đưa tay ra bắt quý hơn là nắm đấm và mở lòng ra lắng nghe nhau tốt hơn là bóp cò súng”.
Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp của những nước khác có thể nói gần như không được phía Trung Quốc tiếp thu, ghi nhận.
Minh Thái (Tổng hợp)
Nguồn tin: baodatviet