Vừa rời Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần rồi với những chỉ trích rát mặt về sự bành trướng ở biển Đông, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với phản ứng của Mỹ về một loạt vấn đề, trong đó có tranh chấp lãnh thổ và chính sách công nghiệp, tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (SED) bắt đầu tại Bắc Kinh hôm 6-6.
Không sợ bất đồng
Theo Reuters, ngay trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên lần thứ 8 này giữa 2 nước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã hối thúc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép thừa vốn được cho là thủ phạm bóp méo thương mại thế giới. Ông Lew nhấn mạnh việc thực thi các chính sách nhằm giảm đáng kể tình trạng dư thừa công suất trong một loạt lĩnh vực, như thép và nhôm, mang tính quyết định đối với sự vận hành và ổn định của các thị trường quốc tế. Ông Lew cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng bày tỏ lo ngại về Luật Quản lý các tổ chức phi lợi nhuận (NGO) nước ngoài mới của Bắc Kinh. Theo 2 quan chức này, việc Trung Quốc ủy quyền giám sát NGO nước ngoài cho cảnh sát đang cản trở sự tiến bộ của nền kinh tế số 2 thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew (trái) tại Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS
Theo AP, điểm nhấn trong chương trình nghị sự của Mỹ tại SEC là gia tăng sức ép để Trung Quốc đẩy nhanh cắt giảm sản lượng dư thừa trong bối cảnh “cơn bão” thép giá rẻ của nước này đang làm mưa làm gió ở nhiều thị trường. Bản thân Washington đã trả đũa bằng cách áp đặt thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc trong khi giới chức châu Âu cũng đang điều tra gắt gao sản phẩm này. Sự bất đồng nói trên báo hiệu một hội nghị khó khăn bởi 2 nước còn tranh cãi về một loạt vấn đề khác, từ thị trường cho đến an ninh mạng.
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết hành động để giảm bớt tình trạng dư thừa song không công bố bất kỳ sáng kiến mới nào. Thay vào đó, ông tuyên bố Bắc Kinh và Washington không nên sợ bất đồng. “Điều quan trọng là không lấy bất đồng làm cái cớ cho xung đột. Một số tranh chấp có thể không giải quyết sớm được” - chủ tịch Trung Quốc nói nhưng không đề cập cụ thể bất đồng nào. Ông cũng hối thúc chính phủ 2 nước “tăng cường tin tưởng lẫn nhau bằng cách thường xuyên liên lạc nhằm tránh những đánh giá sai lầm chiến lược”. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang cố gắng phát đi thông điệp “hòa hiếu” ngay cả khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang “đấu khẩu” về vấn đề biển Đông.
Cuộc đối thoại yếu nhất
Không “bóng gió” như ông Tập, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói thẳng ngay sau bài phát biểu của lãnh đạo chủ nhà: “Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở biển Đông và phản đối bất kỳ nước nào giải quyết vấn đề này bằng hành động đơn phương”. Ngoại trưởng Mỹ cũng hối thúc hai bên hợp tác ngăn chặn Triều Tiên mở rộng năng lực vũ khí hạt nhân, nhất là sau khi ông Tập vừa tiếp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong với những hứa hẹn thắt chặt quan hệ.
Một số nhà phân tích cho rằng SED năm nay có thể bị ảnh hưởng từ cuộc bầu cử trên chính trường Mỹ. Bắc Kinh ngày càng lo ngại cuộc đua tìm kiếm ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng có thể gây bất ổn cho quan hệ Mỹ - Trung. Đặc biệt, ứng viên sáng giá của Đảng Cộng hòa Donald Trump không ngừng công kích Bắc Kinh mà gần đây nhất là chỉ trích Trung Quốc “đang hạ đo ván Mỹ” và đánh cắp hàng tỉ USD tài sản trí tuệ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ sớm đối mặt một cuộc chuyển giao quan trọng trong bộ máy lãnh đạo. Năm 2017, 5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ nghỉ hưu.
“Đây có thể là cuộc đối thoại yếu nhất trong nhiều năm trở lại đây. Liệu mỗi bên có thể dàn xếp chính nội bộ của mình và triển khai những thỏa thuận được nhất trí tại hội nghị này? Tôi không lạc quan về điều đó” - GS Cảnh Hoàng tại Trường ĐH Quốc gia Singapore nhận định.
Nguồn tin: NLĐ Online