Mỹ “dằn mặt” Trung Quốc

Thứ hai - 14/09/2015 08:24 899 0
Washington cần chấp nhận rủi ro bị trả đũa để cho Bắc Kinh thấy sự nghiêm túc của mình trong việc trấn áp hoạt động gián điệp thương mại
 

Nhà Trắng dự kiến sẽ công bố biện pháp trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cáo buộc dính líu đến hoạt động tấn công mạng, đánh cắp bí mật thương mại tại Mỹ trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Washington vào nửa cuối tháng 9. Tờ The Financial Times (Anh) hôm 3-9 dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết thông tin này.

Theo báo The Financial Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nhiều tháng qua đã soạn thảo kế hoạch trừng phạt để đáp trả sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm bởi sự gia tăng số vụ gián điệp kinh tế (53%) nhằm vào Washington.

Tuy nhiên, nội bộ Mỹ đang chia rẽ về việc liệu có nên công bố những biện pháp trừng phạt trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hay không. Những người ủng hộ lập luận rằng Washington cần cho Bắc Kinh thấy sự nghiêm túc trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm mạng. Trái lại, những người phản đối lo ngại động thái này ảnh hưởng tiêu cực đến chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo một nguồn tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc giục Tổng thống Obama lùi thời điểm công bố trừng phạt cho tới sau chuyến thăm. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật cho rằng không thể chờ đợi thêm vì bản chất nghiêm trọng của các vụ tấn công mạng.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BìnhẢnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BìnhẢnh: AP

 

Một quan chức hé lộ các biện pháp trừng phạt có thể được công bố vào tuần tới. Thời điểm này không quá gần chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nên Bắc Kinh có thời gian để “hạ hỏa” trước khi lãnh đạo 2 nước gặp nhau tại Washington.

Nhận xét về lệnh trừng phạt, chuyên gia về Trung Quốc, bà Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng chúng là thông điệp cho thấy Washington “thực sự nghiêm túc” trong việc trấn áp hoạt động gián điệp thương mại. Cũng theo bà Glaser, Washington cần chấp nhận rủi ro bị trả đũa để cho Bắc Kinh thấy sự nghiêm túc của mình.

Ngoài chuyện an ninh mạng, hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc ởbiển Đông cũng là mối bận tâm hàng đầu của Mỹ. Trong bước đi kiềm chế Bắc Kinh, Mỹ và Malaysia đang bí mật đàm phán về thỏa thuận cho phép Washington đưa máy bay do thám sang đồn trú tại Kuala Lumpur để tiến hành tuần tra biển Đông.

Trang tin Bloomberg dẫn lời 2 quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ tiết lộ cuộc đàm phán đã được đẩy mạnh sau hàng loạt vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Malaysia. Mỹ đang thúc giục chính quyền Thủ tướng Najib Razak cho phép 2 loại máy bay tuần tra trinh sát biển P-8 Poseidon và P-3 Orion cất cánh từ sân bay Malaysia để tuần tra biển.

Song song đó, theo hãng tin AP, Phó Đô đốc Frederick Roegge sẽ thay thế Phó Đô đốc Phillip Sawyer trở thành Tư lệnh lực lượng tàu ngầm của Mỹ ở Thái Bình Dương. Sự thay đổi này diễn ra trong lúc Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động trên biển Đông, buộc Mỹ phải tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của tàu ngầm.

Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc ngày 4-9 cho biết 5 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động ngoài khơi Alaska trong những ngày gần đây đã tiến vào phạm vi 12 hải lý tính từ đường bờ biển Mỹ. Dẫu số tàu trên đang trên đường trở về nước nhưng Washington vẫn tiếp tục theo dõi nhất cử nhất động của chúng.

 

Úc lo nguy cơ sai lầm quân sự ở biển Đông

Úc muốn tham gia vào cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản tại Ấn Độ Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Kevin Andrews nhận định việc mở rộng các cuộc tập trận đa phương sẽ giúp tránh được những sai lầm quân sự tại khu vực mà Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng cạnh tranh. Phát biểu khi thăm Ấn Độ hôm 2-9, ông Andrews bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh chiến lược đang leo thang ở biển Đông, đe dọa dẫn đến sai lầm quân sự.

Theo hãng tin Reuters, cuộc tập trận mang tên Malabar được Ấn Độ và Mỹ tổ chức hằng năm tại Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận năm nay ghi nhận sự tham gia lần đầu tiên của Nhật kể từ năm 2007, qua đó cho thấy mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa các đồng minh đang lo ngại hành động của Trung Quốc ở khu vực. Trong khi đó, Úc và Ấn Độ đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trong tháng tới.

Xuân Mai

 

HUỆ BÌNH

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,740
  • Tháng hiện tại78,040
  • Tổng lượt truy cập41,362,240
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây