Mối quan hệ thương mại song phương Mỹ-Việt tăng đáng kể từ khi Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam 20 năm trước. Quá trình phát triển này trùng hợp với sự chuyển đổi kinh tế ngoạn mục của Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người và GDP của Việt Nam tăng mạnh trong 20 năm qua. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% tại thời điểm hiện tại.
Việt Nam là một trong những đất nước chuyển mình nhanh nhất thế giới và quan hệ thương mại Việt-Mỹ góp phần không nhỏ vào sự dịch chuyển này. Cả người dân Mỹ và Việt Nam đều hưởng lợi từ mối quan hệ song phương vững chắc. Hiện hai nước đang hợp tác tích cực trong một số lĩnh vực quan trọng, kể cả chính trị, an ninh, đầu tư thương mại, giáo dục, biến đổi khí hậu và trao đổi giữa con người với con người.
Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề mà hai nước còn bất đồng. Bạn bè có thể bất đồng, nhưng vẫn là bạn bè. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ là lợi ích chiến lược của cả Việt Nam và Mỹ. Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem đến cho Việt Nam một cơ hội mới để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước đang đàm phán TPP, với tăng trưởng GDP và xuất khẩu có tiềm năng lớn hơn bất kỳ nước đối tác nào tham gia TPP. Nếu Việt Nam tận dụng được lợi thế đầy đủ, TPP sẽ cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nhiều hơn các thị trường trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi cung ứng quan trọng, mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam. TPP cũng sẽ hỗ trợ mục tiêu chiến lược của Việt Nam nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Việc Việt Nam tham gia TPP có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, vì nó sẽ thúc đẩy lòng tin của giới đầu tư và tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn, kinh doanh tại đây.
Đàm phán thương mại đa phương luôn là quá trình phức tạp và TPP cũng không phải ngoại lệ. Lãnh đạo của 12 nước TPP đã cam kết hoàn tất thỏa thuận một cách nhanh chóng. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề khó khăn cho các nhà đàm phán, song đã có những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực trong thời gian gần đây. Việc sớm hoàn tất hiệp định có thể khả thi nếu lãnh đạo 12 nước đàm phán cùng chia sẻ ý chí chính trị để đưa ra quyết định khó khăn. Chẳng hạn, Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ tăng quota cho quần áo và giày dép xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù nhiều nghị sĩ Mỹ đã cam kết bảo hộ sản xuất trong nước. Đồng thời, Mỹ đang tìm kiếm cam kết từ Việt Nam rằng, Việt Nam sẽ cung cấp một sân chơi cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhà nước, hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các công ty và nhà đầu tư Mỹ nhìn thấy cơ hội to lớn trong tương lai ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải cách hơn nữa hệ thống pháp lý, quan hệ lao động, phát triển lực lượng lao động, bảo về và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và thương mại. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng hy vọng sẽ có nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tinh giản thủ tục hành chính và đấu tranh chống tham nhũng. Các nước đều cần có chính sách kinh tế tốt, hạ tầng pháp lý và quy định chặt chẽ, các cơ quan chính phủ hoạt động minh bạch và hiệu quả, hạ tầng công cộng phát triển, kể cả giao thông, điện, viễn thông...
Tất cả những yếu tố này nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế - xã hội. AmCham tiếp tục thúc giục Chính phủ Việt Nam tiến hành nhiều cải cách hơn nữa để tạo ra một môi trường cạnh tranh, nơi các quyết định được ban hành nhanh hơn, các thủ tục ít rối rắm hơn và quy định được thực thi một cách công bằng. Điều quan trọng là Chính phủ cũng phải đảm bảo rằng những bộ luật và quy định mới không gây hại cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chính phủ có thể và nên có những hành động để đưa niềm tin vào môi trường kinh tế, đảm bảo rằng Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và cạnh tranh cho đầu tư nước ngoài.
Ngày 5.4, Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ thương mại Việt-Mỹ tại khách sạn JW Marriott. |