Một trong số 3 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến cộng đồng là áp dụng cách tính đồng giá điện ở mức 1.747 đồng/KWh. Các chuyên gia cho rằng phương án này chưa thể áp dụng ở Việt Nam.
Duy trì giá điện bậc thang là hợp lý
Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, ông Trần Đình Long, cho rằng phương án chỉ có 1 bậc thang với giá trung bình chính là quay trở lại giai đoạn trước đây - khi mà chưa sử dụng bậc giá điện nhằm điều chỉnh nhu cầu sử dụng. “Như vậy, mục tiêu đề ra khi sử dụng giá bậc thang là dùng chính sách giá cả để điều tiết nhu cầu sử dụng điện. Nếu ai dùng thế nào cũng được đối xử giống nhau thì không hỗ trợ được người có thu nhập thấp và hộ sử dụng điện ít. Không phân biệt đối xử tức là không hạn chế người sử dụng quá nhiều điện ở mức cần thiết” - ông Long phân tích.
Theo ông Long, vẫn cần phải duy trì giá điện bậc thang. Tuy nhiên, số bậc thang nên rút gọn lại. Đơn cử, có thể điều chỉnh gộp 2 bậc thang đầu là từ 0-50 KWh và trên 50-100 KWh thành một.
Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) nhận định giá điện bậc thang vẫn là ưu việt và phù hợp nhất với điều kiện ở Việt Nam hiện nay. Chứng minh cho nhận định này, ông Thụy cho rằng tại Việt Nam, cung về điện chỉ mới vừa cân bằng với cầu nên biểu giá bậc thang sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Nếu dự phòng điện đạt đến 30% thì mới nên áp dụng chính sách một giá.
Hơn nữa, điện là loại hàng hóa đặc biệt với phương thức sản xuất đặc biệt và cần có sự điều tiết của nhà nước nên áp giá bậc thang sẽ bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, trong thị trường điện cạnh tranh, nếu tổng nhu cầu sử dụng điện thấp thì giá điện bậc thang cũng được đánh giá là phù hợp. Do đó, ông Thụy tán thành phương án 3, tức là rút bớt bậc thang, trong đó bậc 1 là 100 KWh đầu tiên, bậc 2 là khoảng 200 KWh tiếp theo.
Xác định đối tượng hưởng hỗ trợ
Theo số liệu thống kê, số hộ sử dụng điện đến 150 KWh/tháng vào năm 2013 chiếm 68,86%; năm 2014 là 67,63%. Đó là các hộ nghèo, hộ sử dụng tiết kiệm điện và khả năng chi trả thấp. Với mức sử dụng điện dưới 100 KWh/tháng thì số hộ chiếm đến 48,55% trong năm 2013 và 46,81% trong năm 2014. Việc điều chỉnh giá điện đối với các nhóm này cần được quan tâm xem xét.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần có biểu giá điện một cách đơn giản hơn. Trong đó, bậc thang đầu tiên có thể lên đến 100 KWh hoặc hơn và áp giá thành thấp nhất có thể, để hỗ trợ cho các hộ sử dụng điện thuộc diện khó khăn. Mức giá điện cho các đối tượng này có thể điều chỉnh thấp xuống một cách đáng kể và tăng cao với các đối tượng sử dụng nhiều điện, các hộ kinh doanh, dịch vụ…
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng nên áp dụng biểu giá điện 3 bậc. Tuy nhiên, do biểu giá điện được xây dựng trên cơ sở doanh thu của bên bán điện không đổi và chỉ điều chỉnh mức tiền sử dụng điện từ nhóm này sang nhóm khác nên cần xác định rõ mục tiêu của nhà nước là tạo điều kiện cho nhóm nào, ưu đãi ở mức bao nhiêu để có phương án ưu việt nhất. “Đây không phải vấn đề khoa học nữa mà là vấn đề chia sẻ lợi ích. Được cho người này, sẽ mất cho người kia nên rất cần sự đồng thuận” - ông Độ nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng rút 6 bậc thang xuống 3 bậc mà mỗi bậc khoảng cách quá xa, chênh lệch với giá bình quân quá lớn thì vẫn thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, hệ số từng bậc gần sát với giá bình quân và chênh lệch nhau không quá lớn thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi.
Nhiều vấn đề chưa minh bạch
Qua nghiên cứu biểu giá bán điện các quốc gia trên thế giới thì có thể thấy nhiều nước quy định giá điện sinh hoạt bán lẻ bậc thang với cơ số lũy tiến càng mua nhiều càng đắt nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, phục vụ cho người có thu nhập thấp đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Mặt khác, số bậc thang trong biểu giá điện không nước nào giống nước nào.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành điện Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa thực sự minh bạch và tạo được lòng tin của người tiêu dùng như giá thành, chi phí, nhân lực bộ máy cồng kềnh tốn kém… Do đó, nếu không cải thiện được những vấn đề này để hạ giá điện hoặc giữ giá điện bình quân ở mức hợp lý thì dù có sửa biểu giá điện, người tiêu dùng vẫn có nhiều lý do để hoài nghi, thậm chí bức xúc.
Nguồn tin: NLĐ Online