Việt Nam đang đứng ở đâu?

Thứ tư - 23/09/2015 21:33 746 0
Báo cáo giám sát kết quả hội nhập kinh tế từ khi Việt Nam gia nhập WTO đã đưa ra được rất nhiều con số và đánh giá. Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu?
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải trả lời được câu hỏi là Việt Nam đang đứng ở đâu, có thu hẹp được khoảng cách với các nước hay khoảng cách ngày càng xa hơn?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói điều ông lo lắng nhất là “chúng ta chưa sẵn sàng cho việc tham gia TPP” - Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói điều ông lo lắng nhất là “chúng ta chưa sẵn sàng cho việc tham gia TPP” - Ảnh: Việt Dũng

Tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18-9, trong giai đoạn 2007-2014, tỉ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,5%, trong khi tỉ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng thay đổi không nhiều, chỉ giảm 0,2%; khu vực dịch vụ tăng lên 1,7%.

Đáng lưu ý, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO và cả ngành nông nghiệp thay đổi không đáng kể.

Các mặt hàng lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chế biến đồ gỗ và thủy sản có lợi thế cao, có khả năng cạnh tranh và có cơ hội mở rộng thị trường; các mặt hàng rau quả và sản xuất muối, chăn nuôi, mía đường, bông ít có lợi thế, khả năng cạnh tranh yếu và bị tác động mạnh.

Sản xuất công nghiệp chế biến phục vụ thị trường trong nước chịu sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế theo lộ trình.

Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp phải đối mặt với nhu cầu nhập khẩu ở các nước đối tác suy giảm mạnh và xu hướng bảo hộ gia tăng. Khu vực dịch vụ, nhóm ngành dịch vụ hàng không, vận tải đường sắt... chịu sức ép cạnh tranh ít do độ mở tương đối thấp…

Từ năm 2007 đến nay, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Sau khi gia nhập WTO, chỉ có ba năm gần đây năm 2012-2014 cán cân thương mại thặng dư, bình quân năm giai đoạn 2007-2014 thương mại nhập siêu (8,07 tỉ USD) cao hơn mức nhập siêu giai đoạn 2001-2006 (4,05 tỉ USD) riêng năm 2008 nhập siêu lên đến 18,02 tỉ USD.

Khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, xuất siêu chủ yếu là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

“Quản trị quốc gia có vấn đề”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng câu hỏi lớn nhất cần đặt ra là tại sao lợi thế của chúng ta không phát huy được trong quá trình hội nhập?

“Nông nghiệp tại sao không phát triển lên được? Thiên nhiên đẹp, tài nguyên du lịch rất lớn, tại sao không phát huy được? Dân số vàng, lao động trẻ, rẻ, nhưng tại sao chưa cạnh tranh được như mong muốn?” - ông Hiển đặt vấn đề.

Ông cho rằng nguyên nhân chính là cải cách chưa đạt yêu cầu. Điều này cho thấy thay đổi từ tư duy cho đến cải cách pháp luật là một quá trình, không hề đơn giản.

Trong khi Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước băn khoăn rằng “chúng ta vẫn còn vấn đề lỗi hệ thống, trong chính sách còn có vấn đề gì đó chưa ổn?”.

Ông nói: “Đất nước ta sinh ra nhiều người có tài, nhưng hàm lượng khoa học kỹ thuật ở trong các sản phẩm rất là thấp, tại sao vậy? Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật vẫn chậm, ảnh hưởng đến việc thúc đẩy quá trình sản xuất, giải phóng tiềm năng của xã hội”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng một trong những vấn đề lớn Việt Nam đang gặp phải là năng lực quản trị quốc gia - Ảnh: Việt Dũng
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng một trong những vấn đề lớn Việt Nam đang gặp phải là năng lực quản trị quốc gia - Ảnh: Việt Dũng

“Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, không chỉ là người lao động, mà là người quản trị, từ quản trị quốc gia đến quản trị doanh nghiệp có vấn đề. Đừng đổ cho người lao động, vì người lao động của ta nắm bắt rất nhanh, áp dụng công nghệ nước ngoài vào thì người ta làm rất tốt, cho nên cái chính là năng lực quản trị có vấn đề” - ông Phước nói thêm.

Ông đề nghị đoàn giám sát “chỉ rõ trách nhiệm của Quốc hội cần phải sửa những gì trong cái lỗi hệ thống này”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: Khi mà có đầu tư nước ngoài vào thì rõ ràng là quản trị của chúng ta có nhiều đổi mới, chúng ta học tập được nhiều từ kinh nghiệm của nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là việc “rút kinh nghiệm WTO cho TPP (hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) tới đây thế nào, thực hiện các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế nào, cần phải làm rõ. Điều tôi lo lắng nhất là chúng ta chưa sẵn sàng cho việc tham gia TPP”.

Ông đặt câu hỏi: “Gia nhập WTO 8 năm rồi, chúng ta thấy sự tiến bộ của chúng ta, phát triển của ta có gần lại với các nước đã phát triển không, hay là khoảng cách lại xa hơn? Phải trả lời được câu hỏi này”.

“Tôi lấy ví dụ Luật Doanh nghiệp đến vừa rồi mới sửa xong, mới đáp ứng được yêu cầu hội nhập, vậy thì làm sao mà mình cứ tự khen mình là hoàn thiện thể chế tốt được. Chúng ta cứ đề nghị nước này, nước kia công nhận ta là nền kinh tế thị trường, nhưng câu hỏi lớn nhất là chúng ta tự hỏi mình đã là nền kinh tế thị trường chưa?” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Hùng băn khoăn trước thực trạng “nông nghiệp được coi là lợi thế nhưng tăng trưởng chậm, rất khó khăn. Vẫn là được mùa mất giá, được gia mất mùa. Năng suất, chất lượng, hiệu quả có đạt được không? Các lĩnh vực các cũng vậy, chúng ta đã cạnh tranh được chưa?”.

Cải cách mạnh mẽ hơn

Trong các giải pháp mà đoàn giám sát đề xuất có việc “cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư, xây dựng, thủ tục thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; coi thực hiện các cam kết quốc tế là điều kiện cần thiết để thúc đẩy các nỗ lực cải cách kinh tế trong nước, sử dụng và phân bổ các nguồn lực hiệu quả”.

Đồng thời, phải có lộ trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng đạt và vượt mức trung bình của nhóm ASEAN-4.

Đoàn giám sát cũng đề nghị có chính sách “hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn của các nước về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác, đồng thời có biện pháp cụ thể để tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế”.

 

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,904
  • Tháng hiện tại72,017
  • Tổng lượt truy cập41,252,618
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây