Sáng 13-8, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, GS Ngô Bảo Châu đã gặp gỡ, nói chuyện với gần 1.000 học sinh và giáo viên các trường THPT trong tỉnh Bình Định cùng các học sinh Việt Nam đoạt giải tại cuộc thi Olympic toán quốc tế và vật lý quốc tế 2013.
Thành công từ thất bại
Hội trường Quang Trung với sức chứa hơn 700 chỗ ngồi đã chật cứng ngay từ sáng sớm. Trần Thị Vân Anh, học sinh (HS) lớp 12A6 Trường Quốc học Quy Nhơn, cho biết: “Nhiều bạn khác tiếc lắm vì không được dự. Mỗi lớp, do chỗ ngồi có hạn, trường chỉ cho 7 HS được dự thôi”.
Mở đầu buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu không đề cập sự thành công của mình hay những nhà toán học lừng danh trên thế giới mà thay vào đó, ông nói đến sự thất bại. GS Châu kể về thất bại của các nhà toán học từ cổ đại đến đương đại cùng những nỗ lực bền bỉ của họ nhằm để lại cho nền toán học thế giới những thành tựu to lớn. Cuối cùng, ông kết luận: “Thất bại là mẹ thành công. Những thất bại ấy xuất phát từ sai lầm trong nhận thức ở một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, họ đã cố gắng, kiên trì và thành công; làm thay đổi nhận thức, mở ra một chân trời mới cho khoa học”.
Khi Cao Quang Thịnh - HS lớp 12 toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - hỏi về những thất bại của chính GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học đoạt giải thưởng Fields danh giá, mỉm cười: “Với tôi thì phải hơn 1 lần thất bại”.
Nhà toán học 41 tuổi này kể về kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm mình học lớp 11. Trong kỳ thi ấy, Ngô Bảo Châu đã chứng minh đề thi bị sai nhưng không được hội đồng thi chấp nhận và Châu bị… rớt. Đến năm 2003, Ngô Bảo Châu đã nảy ra ý tưởng xây dựng công trình “Bổ đề cơ bản cho đại số Lie” mà sau này giúp ông đoạt giải thưởng Fields. Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng và được thầy giáo của mình phản biện, ông lại rơi vào bế tắc. “Công trình của tôi như một bức tranh với nhiều mảnh ghép nhưng thiếu một mảnh thôi, tôi chưa tìm ra và tôi đã thất bại” - GS Châu tâm sự.
Ông miệt mài tìm “mảnh ghép” cuối cùng. Vào năm 2005, khi một giáo sư người nước ngoài tư vấn cho Ngô Bảo Châu con đường để tìm “mảnh ghép” cuối cùng, ông đã tìm ra và hoàn thành công trình năm 2007. “Vậy thì nếu thi rớt ở một cuộc thi nào đó, các em đừng buồn nhiều. Hãy dành tâm trí để tìm ra chỗ nào làm ta rớt” - nhà toán học chia sẻ.
Truyền lửa khoa học
Tại buổi gặp gỡ, dường như sự e ngại vốn có của những HS tỉnh Bình Định tan biến để nhường chỗ cho niềm đam mê được truyền cảm hứng từ GS Ngô Bảo Châu. Dù câu chuyện về nhà toán học hàng đầu Việt Nam này đã được nói nhiều nhưng những cánh tay từ bên dưới vẫn liên tục giơ lên xin được hỏi như muốn hiểu hết từng góc khuất của một con người vừa vĩ đại vừa bình dị kia.
Khi Nguyễn Phi Long, HS đến từ Trường THPT chuyên Sơn La, đoạt HCV Olympic Vật lý quốc tế 2013, đặt vấn đề về niềm đam mê hay định hướng học toán đối với GS Ngô Bảo Châu, ông không ngần ngại cho biết: Cả hai!
“Khi còn học tiểu học, tôi không hề mê học toán, trong khi lại mê nhiều thứ như văn chương, nghệ thuật và nhất là đọc sách. Nói thật, ngày đó tôi thích đi học vì ở đó có nhiều bạn để chơi” - GS Châu cười rồi kể tiếp: “Đến cuối lớp 5, tôi vẫn cộng trừ, nhân chia không rành. Cha tôi - GS-TS Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Cơ học Việt Nam - cảm thấy con mình bất ổn nhưng ông không giỏi giáo dục phổ thông nên đã nhờ học trò “kèm” giúp. Không ngờ khi bị gò, tôi đâm ra yêu môn toán” - GS Châu kể.
“Có được đam mê đã khó, giữ được đam mê còn khó hơn” - quan điểm của Văn Dũng - HS lớp 10 toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - được GS Ngô Bảo Châu ghi nhận bằng lời khuyên hãy tự tin với niềm đam mê của mình. “Mỗi người có một bí quyết riêng để nuôi dưỡng niềm đam mê nhưng nhìn chung phải tin với niềm đam mê của mình. Nếu em tin niềm đam mê của mình là đúng thì em sẽ giữ được” - GS Châu khuyên.
“Từ trước đến giờ, em không nghĩ GS Ngô Bảo Châu cũng trải qua những chuyện rất bình thường và đã gặp vô số thất bại như thế. Em như sáng ra nhiều điều từ cuộc nói chuyện của GS” - em Phùng Thị Mỹ Luông - lớp 10 toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - nhận xét về cuộc gặp gỡ.
“Giáo dục phổ thông Việt Nam không tệ” Tại cuộc gặp gỡ, GS Ngô Bảo Châu cho rằng ông không đồng ý với nhiều ý kiến nhìn nhận về giáo dục phổ thông ở Việt Nam. “Giáo dục phổ thông Việt Nam không tệ như nhiều người nói. Chúng ta thường so sánh về giáo dục Việt Nam với các nước Mỹ, Pháp... nhưng tôi muốn nói rằng giáo dục phổ thông ở Mỹ bị phân cấp giàu nghèo rất lớn. Trong khi đó, giáo dục ở Pháp cũng chỉ tập trung nhiều tại các trường công, dù đấy là những nước giàu và tiên tiến. Giáo dục Việt Nam đồng đều hơn” - GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận. |
Nguồn tin: NLĐ Online