Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đã bắt đầu “bám rễ” cuộc sống

Thứ hai - 09/06/2014 22:36 979 0
Ngày 7/4/2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 04). Sau hơn ba năm thực hiện, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Điều này cho thấy Nghị quyết 04 đã bắt đầu đi vào cuộc sống.

Xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tại huyện Đắk R'lấp, ngay khi có Nghị quyết 04, địa phương đã quan tâm chỉ đạo sâu sát bằng các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, tạo điều kiện về vốn, quỹ đất, phối hợp với các sở, ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân áp dụng vào thực tiễn.

Nhờ đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xuất hiện và đạt được những kết quả bước đầu, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế của hộ gia đình, doanh nghiệp. Điển hình như mô hình nuôi heo của HTX Đồng Tiến, xã Đắk Sin.

Tại đây, chuồng trại được xây dựng khá quy mô, bài bản, chia thành các khu chăn nuôi riêng biệt và hoàn toàn tách biệt với khu dân cư. Ngoài việc duy trì nuôi 18.000  heo thịt, HTX còn nuôi 600 heo nái và hàng nghìn heo giống cung cấp cho thị trường, lợi nhuận mỗi năm đạt hàng tỷ đồng.

Còn tại thị xã Gia Nghĩa, với nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, nông dân cũng đã từng bước áp dụng các khâu trong chăm sóc hoa theo công nghệ cao, đồng thời tham gia thành lập các tổ hợp tác để chia sẻ lợi ích và hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế.

Mô hình trồng hoa trong nhà lồng của gia đình ông Lê Văn Quân, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Ảnh: Thùy Dương

Gia đình ông Lê Văn Quân, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Phú đã trồng hoa trong nhà lồng gần 7 năm nay. Hiện tại, gia đình ông trồng hơn 3 sào, chủ yếu là các loại hoa cúc, hoa ly, hoa huệ, hoa cẩm chướng. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 150 triệu đồng.

Theo ông Quân thì tất cả diện tích này ông đều đầu tư xây dựng nhà lồng và sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, chăm bón cho cây. Qua thực tế sản xuất nhiều năm cho thấy so với cách làm truyền thống thì năng suất, chất lượng hoa đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đối với loại cây trồng truyền thống là cà phê, nông dân cũng đã tiến hành trẻ hóa bằng cách ghép cải tạo và sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Đơn cử như tại huyện Đắk Mil, sau khi có Nghị quyết 04, huyện đã triển khai quy hoạch khu vực sản xuất cà phê sạch, cà phê có chứng nhận 4C, UTZ tại các xã Đức Minh, Thuận An, Đắk Lao, Đức Mạnh; Quy hoạch vườn nhân chồi cà phê đầu dòng, vườn sản xuất giống cây trồng tại các xã Thuận An, Đắk Lao, Đức Minh; Xây dựng Đề án nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê giai đoạn 2012-2020 và tích cực thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình tham gia sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích gần 1.500 ha. Người dân đã áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nên năng suất cây trồng ngày càng tăng, đồng thời giảm chi phí sản xuất. Theo thống kê năm 2012, sản lượng cà phê toàn huyện đạt gần 46.000 tấn, tăng 2.148 tấn so với năm 2010, năng suất cà phê bình quân từ 18,3 tạ/ha lên 21,4 tạ/ha.

Không có lợi thế về nguồn đất đai, khí hậu như các địa phương khác nhưng nông dân trên địa bàn huyện Đắk Glong cũng đã xây dựng được một số mô hình bước đầu ứng dụng hiệu quả theo hướng công nghệ cao như mô hình ổi không hạt của gia đình bà Ứng Thị Hòa, thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Xuân Thường.

Đặc biệt, mô hình trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế khá cao. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, tính đến nay, toàn huyện có khoảng 40 ha diện tích trồng dâu nuôi tằm. Cây dâu tằm dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp với điều kiện, khí hậu tại đây.

Thực tế những năm gần đây, trồng dâu nuôi tằm phát triển rất mạnh, mở ra một hướng sản xuất nông nghiệp mới cho địa phương. Đây cũng là cây trồng có thể giúp người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo.

Tập trung thực hiện những khâu quan trọng

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 04, các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã nhận thức được rằng trong tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay thì cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Thực tế trong 3 năm qua, những mô hình đạt năng suất, chất lượng cao đều đã áp dụng sản xuất theo khoa học, kỹ thuật tiên tiến và ứng dụng một số quy trình sản xuất công nghệ cao. Để phát huy kết quả này, thời gian tới, ngành và các địa phương sẽ quan tâm tổ chức lại sản xuất, chú trọng thành lập các tổ hợp tác, tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân.

Trong quá trình sản xuất, cùng với việc đầu tư vào những khâu quan trọng như các khâu giống, kỹ thuật canh tác và khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ngành sẽ tham mưu tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ sản xuất cho người dân cũng như cán bộ quản lý.

Mục đích của phát triển nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất nền nông nghiệp bền vững. Hy vọng rằng, với những bước đi phù hợp, sáng tạo, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần đưa Nghị quyết của Đảng ngày càng đi vào cuộc sống.

Thùy Dương - Y’KRăk

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: nghị quyết
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,474
  • Tháng hiện tại48,972
  • Tổng lượt truy cập41,229,573
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây