Báo Người Lao Động số ra ngày 25-2 có đăng bài Trúng tuyển ĐH vẫn đi nghĩa vụ quân sự (NVQS). Sau bài báo này, rất nhiều học sinh lớp 12 và phụ huynh đã bày tỏ sự quan tâm về những quy định mới trong việc thực hiện NVQS.
Lấp lỗ hổng trốn tránh NVQS
Ảnh: PHAN ANH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Phải từ bỏ suy nghĩ chỉ những người học dốt mới nhập ngũ, còn những người học giỏi thì ở nhà”.
Ảnh: PHAN ANH
Những quy định của Thông tư 175 cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội khi người học giỏi thì được học ĐH, CĐ và khi tốt nghiệp thì đã gần hết tuổi thi hành NVQS; còn người không đậu ĐH, CĐ thì phải đi bộ đội. “Việc ban hành Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung Thông tư 175 là để bịt kẽ hở đó. Quy định trong Thông tư 13 hoàn toàn phù hợp với Luật NVQS có hiệu lực từ năm 2005” - đại tá Diệp khẳng định.
Chỉ con em nông dân nhập ngũ?
Qua giám sát của các cơ quan chức năng thuộc Quốc hội về việc thực hiện NVQS, trong những năm qua, nhiều địa phương có số lượng thanh niên được tạm hoãn NVQS lên đến 40%. Có địa phương, trong 5 năm liền không cán bộ, công chức từ cấp xã trở lên nào thực hiện NVQS. Công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật, con em cán bộ, công chức, gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện NVQS rất thấp, chỉ chiếm 4,94% và đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, số lượng con nông dân, người chưa tìm ra việc làm phải thực hiện NVQS rất cao, chiếm đến hơn 80% và đang có xu hướng tăng lên.
Rõ ràng, Thông tư 175 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa bảo đảm tính công bằng xã hội khi đối tượng được tạm hoãn thi hành NVQS quá lớn, đồng thời làm giảm chất lượng tuyển quân. Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”.
Luật NVQS quy định việc thực hiện NVQS là trách nhiệm của mọi công dân nam từ 18 đến 25 tuổi, thời gian là 18 tháng đối với lục quân, 24 tháng đối với các binh chủng kỹ thuật (đa số các nước cũng áp dụng thời gian thực hiện NVQS 18 - 24 tháng). Do vậy, nếu tiếp tục thực hiện theo Thông tư 175 sẽ tạo bất công xã hội, không thể hiện đại hóa quân đội theo yêu cầu và tình hình mới.
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng không chỉ cần sự công bằng trong chính sách NVQS mà còn phải thực sự công bằng khi thực hiện. Lâu nay, tình trạng con cán bộ công chức, con nhà khá giả tìm cách trốn NVQS đã xuất hiện. Do vậy, cần phải minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ, nghiêm túc tại địa phương từ cấp phường - xã đến quận - huyện để tránh những tiêu cực xảy ra, đặc biệt khi thực hiện Thông tư 13.
Không lo vắng bóng nam sinh viên
Trong buổi tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - THCM do Báo Người Lao Động tổ chức, nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn rằng nếu thực hiện Thông tư 13 một cách nghiêm túc, liệu nhiều trường có vắng bóng sinh viên nam? Thắc mắc này cũng được nhiều bạn đọc nêu ra và cho rằng sau 4-6 năm nữa sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất.
Những vấn đề nêu trên thực ra không đáng lo ngại. Nên nhớ rằng tuổi thực hiện NVQS là từ 18 đến 25, số công dân nhập ngũ hằng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số nam công dân trong độ tuổi phải thi hành NVQS. Do đó, hoàn toàn không có chuyện các trường ĐH, CĐ sẽ vắng bóng nam sinh viên và cũng không có chuyện khủng hoảng nguồn nhân lực. Với số lượng nhập ngũ như vậy, vấn đề thực hiện công bằng xã hội mới quan trọng hơn, như cân bằng các đối tượng, thành phần, kể cả những công dân nam du học nước ngoài.
Cần phù hợp với thời bình
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, thanh niên cần chấp hành với ý thức cao nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, phải chú ý bảo đảm công bằng xã hội.
“Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh vừa tốt nghiệp THPT vào học ngay ĐH, CĐ thì việc tiếp thu kiến thức chắc chắn tốt hơn người sau gần 2 năm thực hiện NVQS mới quay lại trường. Bởi vậy, theo tôi, đối với những thanh niên đã trúng tuyển ĐH, CĐ mà nhập ngũ, Bộ Quốc phòng nên tuyển các em vào ĐH, CĐ quân sự luôn, để vừa huấn luyện vừa đào tạo. Hiện nay, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc rất cao nhưng cũng không phải thời chiến nên đối với một số trường hợp đặc biệt mà luật cho phép, có thể để các em học xong ĐH, CĐ rồi mới thực hiện NVQS” - ông Thuyết nhìn nhận.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho biết thời chiến tranh cũng đã có quy định đậu ĐH nhưng vẫn phải vào chiến trường 3 năm, sau đó mới được đơn vị tạo điều kiện quay lại học tiếp. “Nhu cầu NVQS hiện nay chưa lớn lắm. Vì vậy, nên thu hẹp phạm vi thực hiện NVQS” - ông Thước đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh - Hà Nội, nhấn mạnh: Bảo vệ Tổ quốc trong những giai đoạn khác nhau thì tính chất cũng khác nhau. “Kinh tế phát triển thì quốc phòng mới mạnh. Vì thế, nhiệm vụ xây dựng đất nước, theo tôi, cũng quan trọng như bảo vệ Tổ quốc” - ông Hùng nhận xét.
“Phải từ bỏ suy nghĩ chỉ người học dốt mới nhập ngũ, còn người học giỏi thì ở nhà”. Đại tá Nguyễn Minh Diệp, |
Ưu tiên nhập ngũ trước Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT quy định công dân nhận được lệnh nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường ĐH, CĐ cùng một thời điểm thì thực hiện việc nhập ngũ trước, báo cáo cho trường để bảo lưu kết quả thi tuyển. Trường hợp cùng nhận được giấy báo nhập học, thời hạn phải có mặt nhập học trước, lệnh gọi nhập ngũ có thời gian quy định có mặt sau thời gian nhập học thì công dân phải thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. “Các trường có trách nhiệm phải bảo lưu kết quả trúng tuyển ĐH, CĐ của thanh niên thực hiện NVQS” - đại tá Nguyễn Minh Diệp cho biết. Cũng theo Thông tư 13, chỉ có những trường hợp đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương. |
Xây dựng quân đội chuyên nghiệp Ngoài việc thực hiện công bằng chế độ NVQS, Nhà nước cần xây dựng quân đội một cách chuyên nghiệp, tuyển những thanh niên tình nguyện có đủ điều kiện về thể chất, trình độ để phục vụ quân đội lâu dài. Với các đối tượng là sinh viên, để bảo đảm công bằng xã hội và tạo nguồn lực cho quân đội, ngoài giáo dục quốc phòng trong trường học, sau khi tốt nghiệp nên đào tạo họ có thời hạn làm sĩ quan, hạ sĩ quan dự bị một cách căn bản. Nguyên Anh Tuấn (anhtuan58@...) Quân đội phải là trường học lớn Quân đội là một trường học lớn. Phải xây dựng quân đội theo hướng đó để rèn luyện thanh niên, để thanh niên trưởng thành hơn khi thực hiện xong NVQS. Đó là mong muốn không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều phụ huynh khác. Ngoài ra, có nên giảm thời hạn thực hiện NVQS, chẳng hạn 1 năm? Tôi nghĩ thời hạn đó đủ để một binh sĩ ở binh chủng hợp thành biết chiến đấu tinh nhuệ. Đó cũng là thời hạn phù hợp để các em đủ thời gian, sức lực và trí tuệ theo đuổi việc học sau khi đã hoàn thành NVQS. Hoàng Tố Hoa (hoatoh_@yahoo...) |