Người dân còn mơ hồ trong phòng chống bệnh tay - chân - miệng

Chủ nhật - 18/10/2015 09:31 668 0
Vài tuần trở lại đây, bệnh tay-chân-miệng (TCM) có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong việc phòng ngừa cũng như điều trị.

Trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Hơn một tuần trước, chị Nguyễn Thị Thới ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), khi thấy con bị nổi những mụn đỏ ở tay và miệng thì sử dụng một số cây thuốc nam trong vườn giã nát để bôi, đắp. Sau một thời gian, con chị không những không khỏi bệnh mà còn bị sốt cao, khi đó, chị mới đưa con đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Chị Thới cho biết: “Thấy con nổi các bọng nước đỏ, tôi chỉ nghĩ cháu bị mẩn ngứa bình thường nên dùng lá để bôi. Đến khi thấy cháu sốt cao, gia đình đưa cháu đến bệnh viện khám thì bác sĩ nói cháu mắc bệnh TCM”.

Không riêng chị Thới mà hiện nay, nhiều người dân vẫn còn khá mơ hồ về căn bệnh TCM nên còn chủ quan trong phòng, chống cũng như chăm sóc trẻ. Đơn cử như trường hợp chị Lê Thị Minh Nguyệt ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), dù biết con mình mắc bệnh TCM, nhưng không cách ly trẻ tại nhà mà vẫn đưa đi nhà trẻ vì cho rằng: “Bệnh TCM không lây nhiễm, trẻ chỉ mắc bệnh do sức đề kháng kém”.

Một số gia đình khi phát hiện trẻ mắc bệnh thì hốt hoảng, bao bọc trẻ trong chăn kín, không tiếp xúc với gió, nước, ánh nắng mặt trời... nên làm cho bệnh ngày càng nặng hơn. Thậm chí, một số bậc phụ huynh còn chọc vỡ bóng nước để bệnh nhanh lành... Ngoài ra, nhiều gia đình chưa có thói quen cho con cái rửa tay bằng xà phòng nên hiệu quả phòng, chống bệnh chưa cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì chính do tâm lý chủ quan và sự thiếu hiểu biết của người dân về cách nhận biết cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh đã làm cho bệnh TCM ngày càng gia tăng. Mặc dù dấu hiệu của bệnh rất điển hình nhưng nhiều người vẫn nhầm với các bệnh có phát ban khác, nên không theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện biến chứng.

Trong khi đó, bệnh TCM chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, các mụn bóng nước, phân nhiễm virus. Trẻ nhỏ hay cho tay, đồ chơi nhiễm siêu vi vào miệng nên virus có thể theo đường miệng vào cơ thể. Do đó, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là vệ sinh cá nhân như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho cả trẻ em và người chăm sóc trẻ, làm sạch các vật dụng, đồ chơi, lau sàn nhà, các khu vực sinh hoạt của trẻ với các dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%. Đồng thời, hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh khác.  

Qua thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 149 trường hợp mắc bệnh TCM, chủ yếu tập trung trong tháng 9. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu thống kê tại các cơ sở y tế công lập. Trên thực tế, số trường hợp mắc bệnh TCM đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân còn cao hơn nhiều.

Theo nhận định, thời gian tới, bệnh TCM có thể sẽ tiếp tục gia tăng do một số nguyên nhân như: bệnh lưu hành thường xuyên tại các địa phương; thời tiết nóng ẩm; ý thức phòng bệnh của người dân chưa tốt, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng…

Trước thực tế trên, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh. Đặc biệt, tại các trường học, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, cơ quan y tế cần phối hợp với ngành giáo dục tăng cường truyền thông, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh hiệu quả. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh, phụ huynh cần đưa nhanh đến các cơ sở y tế để khám, điều trị, tránh lây cho trẻ khác cũng như lây lan trong cộng đồng…

Bài, ảnh: Vũ Trang

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay3,796
  • Tháng hiện tại71,807
  • Tổng lượt truy cập41,252,408
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây